Cả cơ quan quản lý cũng khó phát hiện thuốc giả

Cả cơ quan quản lý cũng khó phát hiện thuốc giả
TP - Chỉ tính từ đầu năm 2005 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 15 vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả với 4 vụ có số lượng lớn.
Cả cơ quan quản lý cũng khó phát hiện thuốc giả ảnh 1
Phòng chống thuốc giả cần có sự nỗ lực của cơ quan quản lý, cơ sở chữa bệnh, người bán và người mua. (ảnh chỉ có tính chất minh họa)  Ảnh: Hồng Vĩnh

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc. Siêu âm cho thấy trong ổ bụng của bệnh nhân có nhiều vỏ thuốc hình con nhộng không hòa tan được.

Các bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân uống phải thuốc giả nên mới có hiện tượng còn nguyên vỏ thuốc trong bụng.

Có những vụ cơ quan chức năng phát hiện ra thuốc giả là nhờ thông tin, khiếu nại của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối sản phẩm. Thanh tra y tế cũng phát hiện nhiều nhà thuốc tư nhân kinh doanh các thuốc giả trong quá trình đi thanh kiểm tra đột xuất.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương– Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm - cho biết thuốc giả thường không để ở khu vực có đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, gần đây thuốc giả xuất hiện lác đác tại các nhà thuốc. Đối tượng kinh doanh thuốc giả có thể giao kèm thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc kém chất lượng với thuốc thật.

Bất lực?

TS Cao Minh Quang – Cục trưởng Cục Quản lý dược VN, cho biết tất cả các loại thuốc giả đều dưới dạng không có hoạt chất, hoạt chất không đủ, thuốc có hoạt chất khác với nhãn, đóng gói lại.

Cuối tuần qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, tỷ lệ thuốc giả được phát hiện ở Hà Nội cao nhất so với cả nước.

Thống kê của Cục Quản lý dược Việt Nam (Bộ Y tế) cho thấy, từ năm 2005 đến nay, có 15 vụ sản xuất kinh doanh thuốc giả được phát hiện và xử lý, trong đó có 4 vụ với số lượng lớn.

Đáng chú ý là vụ một dược sĩ cho một số đối tượng thuê bằng cấp mở nhà thuốc tại địa chỉ số 3 Hàng Cá (Hà Nội) để sản xuất và kinh doanh thuốc Terneurin giả và thuốc nhập lậu khác.

Tiếp đó, qua kiểm tra Cty TNHH Anh Ngọc phát hiện cơ sở này kinh doanh các thuốc giả như Trozime, Postinor, Acetaphen, Dexamethason, Cefuroxime…

Hầu hết thuốc giả được phát hiện đều là biệt dược, nhập khẩu và có giá trị cao, có sử dụng công nghệ cao trong in ấn khiến cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý khó phát hiện.

Ông Quang cũng cho hay phát hiện đã khó, điều tra còn khó hơn. Các mẫu thuốc giả có nhãn, bao bì,  đóng gói hoàn toàn giống với mẫu nhãn, bao bì thuốc thật, không có dấu hiệu rõ ràng nào để có thể phân biệt thuốc thật - thuốc giả.

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán lòng vòng, hóa đơn không có số lô thuốc, gây khó khăn cho việc điều tra nguồn gốc. Đây là giai đoạn thuốc giả dễ dàng thâm nhập vào quá trình lưu hành thuốc.

Việc thuốc giả có thể mặc sức tung hoành còn do một số chủ sở hữu số đăng ký thuốc vì lo ngại thông tin về thuốc giả ảnh hưởng tới hoạt động và uy tín nên đã không chủ động thông báo cho cơ quan quản lý để cảnh báo cho người tiêu dùng biết.

Ông Cao Minh Quang thừa nhận, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Y tế với các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, kịp thời nên việc xử lý các thông tin về thuốc giả còn chậm trễ. Thậm chí, một số vụ kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu còn chưa được điều tra đầy đủ, chưa truy tìm được nguồn gốc sản xuất hoặc kinh doanh.

Được biết, Bộ Y tế đang triển khai dự án phòng chống thuốc giả do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Theo đó, sẽ thành lập nhóm chuyên trách phòng chống thuốc giả do các Bộ Y tế, Công an, Hải quan, Thương mại làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin và tiến hành điều tra vụ việc.

 Ngoài ra, chính sách giá phù hợp để giảm nguy cơ nhập lậu thuốc do nguyên nhân chênh lệch giá thuốc giữa Việt Nam và các nước cũng là một cách giảm tỷ lệ thuốc giả lưu thông trên thị trường.  

MỚI - NÓNG