Cả dân tộc phải cùng hành động

Cả dân tộc phải cùng hành động
TP - Với 90,24% số phiếu tán thành, 15 giờ 45 phút chiều qua (28/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư  gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của nước CHXHCN Việt Nam.
Cả dân tộc phải cùng hành động ảnh 1
Việt Nam gia nhập WTO sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Với việc hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng này, vào ngày 28/12/2006 Việt Nam sẽ chính thức là thành viên đầy đủ của WTO.

Phải có chương trình hành động chung

Sau khi nghe tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, báo cáo kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam do Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày và Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chủ tịch nước do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão trình bày, 10 ĐBQH đã phát biểu những ý kiến hết sức tâm huyết trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư.

Bà Lê Thị Dung (ĐBQH An Giang) mong muốn Chính phủ sớm có cơ chế về an sinh xã hội, đặc biệt là với những người sẽ phải gánh chịu những thiệt thòi khi thực hiện các cam kết gia nhập WTO. 

Dựa trên cách nghĩ “thời cơ là tiềm năng, thách thức là hiện thực”, bà Dung cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn từ khoảng 3% hiện nay lên 10%.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Trân nói rằng, trong chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập phải xây dựng sao cho đó thực sự là chương trình hành động chung của cả nước, cả dân tộc Việt Nam.

Đầy tâm huyết, ông Đỗ Trọng Ngoạn (ĐBQH Bắc Giang) kiến nghị: “Cần phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, không nên bảo thủ. Mạnh mẽ hơn trong việc xóa bỏ bao cấp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường và thúc đẩy hai lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến kinh tế- xã hội là GD-ĐT và KH-CN”.

Phát biểu rất ngắn gọn sau đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói : “Trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã lường hết được tất cả cơ hội và thách thức. Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động và đã tính toán đến những thuận lợi và thách thức đó”.

Nỗ lực chủ quan có ý nghĩa quyết định

Cả dân tộc phải cùng hành động ảnh 2
Vào WTO các loại thủy hải sản chất lượng cao của VN có thời cơ phát triển mạnh hơn. Ảnh: Phạm Yên

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng việc nước ta gia nhập WTO là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng. 

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng phân tích về những thuận lợi mà việc gia nhập WTO mang lại. Đó là nền kinh tế sẽ được tiếp cận với thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử; tạo điều kiện cho nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu, có điều kiện đấu tranh nhằm bảo vệ sự công bằng và hợp lý hơn các lợi ích của đất nước và của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch, vốn và công nghệ tiên tiến sẽ có cơ hội đầu tư vào nước ta nhiều hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo ra khả năng mở mang một số ngành hàng và theo đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

“Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính tốt hơn, đồng bộ hơn, môi trường kinh doanh cũng ngày càng thuận lợi, hoạt động có hiệu quả hơn” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận định.

Đề cập đến những thách thức, Chủ tịch cho rằng là một nước đang phát triển với trình độ thấp, quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé thì nguy cơ phá sản một bộ phận doanh nghiệp, nguy cơ thất nghiệp và nguy cơ phân hoá giàu nghèo sẽ tăng lên nếu chúng ta không có chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, chính sách phúc lợi và an sinh xã hội đúng đắn...

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định việc gia nhập WTO vừa có lợi ích lớn, vừa có những thách thức không nhỏ. “Thành công nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực chủ quan của chúng ta. Nếu chúng ta không chủ động vươn lên để tận dụng cơ hội thì lợi ích thu được sẽ rất ít”- Chủ tịch nói. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.