Cá dữ liên tục tấn công người

Cá dữ liên tục tấn công người
TP - Năm 2009 và đầu năm 2010, tại bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) có hàng chục nạn nhân phải vào viện cấp cứu vì bị cá dữ tấn công.

Rạng sáng 10 - 1, ông Mang Đức Hạnh, giáo viên Trung tâm Thí nghiệm thực hành (trường ĐH Quy Nhơn) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp tục điều trị thương tích nặng do bị cá dữ tấn công.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Chất, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bình Định, kể lại: “Khoảng 17 giờ 30, ngày 9-1, bệnh nhân Hạnh nhập viện trong trạng thái cẳng tay bị toác nham nhở và đứt động mạch, đứt gân gây chảy máu rất nhiều. Bệnh nhân bị cá tấn công khi tắm biển cách bờ khoảng 10 m ở khu vực biển Công viên Thiếu nhi TP Quy Nhơn”.

Khoảng 6 giờ 30 phút cùng ngày 9-1, tại bãi biển Hải Âu thuộc khu vực Nguyễn Văn Cừ, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Nguyễn Minh Tuân (ĐH Quy Nhơn) cũng bị cá tấn công.

Ông Tuân kể lại: “Khi đang tắm biển cách bờ 100 m, tôi bơi dọc xuống phía khách sạn Hải Âu khoảng 500 m rồi quay lại thì bị một con cá cắn hai nhát vào cánh tay trái làm toác cả phần thịt ở cánh tay.

Con cá này có màu xám, da nhám, khoảng 20 kg. Tôi kêu cứu. May có người đánh cá gần đó đến kịp thời, nếu không tôi cũng không biết sẽ ra sao vì mất quá nhiều máu”.

Cá dữ liên tục tấn công người ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Tuân, giảng viên Đại học Quy Nhơn đang điều trị vết thương cá cắn tại Bệnh viện Quân y 13 (Bình Định)

Ông Toán, người dân trú khu vực 2 (phường Quang Trung), người cứu thầy Tuân, kể: “Nghe tiếng kêu cứu, tôi bơi thuyền thúng đến và nhanh chóng đưa anh Tuân vào Bệnh viện Quân y 13 để băng bó. Khi tắm biển mà bị cá cắn như vầy nếu không có người cứu kịp thời thì thiệt mạng như chơi”.

Tại Bệnh viện Quân y 13, ông Nguyễn Minh Tuân được các bác sĩ phẫu thuật trong gần 2 giờ đồng hồ để cầm máu, khâu vết thương, vết dài nhất hơn 10 cm. Nạn nhân phải điều trị ít nhất 10 ngày mới có thể ra viện.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Hạnh, khoa ngoại Bệnh viện Quân y 13 cho biết: “Mới có mấy ngày đầu năm 2010, bệnh viện tiếp nhận 3 ca bệnh bị cá cắn khi tắm biển (trong đó có thầy Tuân). Còn tính sơ bộ cả năm 2009 thì có đến gần 10 ca bị cá tấn công phải nhập viện”.

Còn theo bác sĩ Chất, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2009 có khoảng 20 vụ nạn nhân nhập viện vì bị cá tấn công.

Không tắm biển khi thời tiết xấu 

Ông Trịnh Văn Thắng (trú khu vực 2, phường Quang Trung), ngư dân lâu năm tại vùng biển Hải Âu, cho biết: “Không biết là loài cá gì nhưng chúng chỉ xuất hiện gần bờ vào những lúc có thời tiết xấu, nước đục và có mưa.

Những loài cá cắn người này trước đây không bao giờ xuất hiện, đã có lúc tui nhìn thấy nó khoảng 30 kg, màu xám, hình dạng giống y cá mập. Vậy tốt hơn hết là bà con đừng ra tắm biển khi có thời tiết xấu”.

“Những người đi tắm biển bị cá dữ cắn phải nhập viện chủ yếu xuất hiện nhiều từ năm 2009, trong đó chủ yếu từ tháng 9-2009 tới nay. Người thì bị bắp chân, bàn chân, người bị bàn tay và bắp tay” - Bác sỹ Nguyễn Văn Long, Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết.

Bãi tắm từ trước công viên thiếu nhi đến khách sạn Hoàng Yến là nơi người tắm biển thường bị cá tấn công.

Như trường hợp ông Nguyễn Quang Vinh (56 tuổi, trú 22 Võ Lai - Quy Nhơn) tắm biển bơi cách bờ 150m, bị cá tấn công làm toạc bắp chân hồi tháng 7-2009.

Chị Hoàng Thị Thúy Hồng trú phường Ngô Mây cũng bị cá tấn công vào buổi chiều đi tắm biển mặc dù chị Hồng chỉ bơi cách bờ có 15 m…

Theo lời các nạn nhân, hầu hết họ bị cá biển tấn công ở khu vực bãi từ công viên thiếu nhi đến khách sạn Hoàng Yến. Đây cũng chính là bãi biển đẹp nhất Quy Nhơn.

Theo một số ngư dân địa phương, những năm gần đây, thỉnh thoảng họ câu được cá nhám (một loại cá dữ thuộc họ cá mập) nặng 10-20 kg ở khu vực cuối bãi tắm Quy Nhơn, giáp Ghềnh Ráng. Họ đoán loại cá này đã tấn công nhiều người tắm biển.

MỚI - NÓNG