Cả ngàn dân thiếu nước sạch, đói thông tin

Cả ngàn dân thiếu nước sạch, đói thông tin
TP- Chỉ  nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 10 cây số, nhưng 154 hộ gia đình với trên 1.000 dân thôn Bãi Xép thuộc Khu vực 1 (phường Gềnh Ráng, TP Quy Nhơn – Bình Định) dường như đang ở một thế giới khác bởi cuộc sống quá khó khăn.

“Đã có với nhau 8 mặt con, 35 đứa cháu và 20 đứa chắt từ khi vợ chồng son bầy tui đến đào rễ cây, dựng lều để ở đầu tiên đến nay có tới 35 năm trôi qua. Nhưng với 100% người dân bản địa nơi đây, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đói no bấp bênh như sóng biển vậy nên tui hiểu hết nội tình của họ.

Cho đến thời này nhưng thực sự người dân Bãi Xép bầy tui hầu như vẫn uống nước khe, ăn cơm từ cá biển và… đói thông tin” - Cụ ông Trần Nói, 85 tuổi cho biết.

Theo anh Nguyễn Xuân Thành, trưởng khu vực 1, gần đây bà con kêu quá trời vì nguồn nước trên suối không còn sạch, trong nước có con nòng nọc, nước nấu lên bốc mùi hôi thối. Còn mấy cái giếng tập thể trong thôn cũng bị nhiễm mặn, thế nên cứ hễ mưa xuống là bà con huy động hết các thứ vật dụng trong nhà ra để hứng nước trời.

Không chỉ  ngh èo  đói  mà người dân rất thiếu thốn về thông tin. “Bản thân tui suốt mấy chục năm nay đều nhận nhiệm vụ qua điện thoại từ phường rồi vác loa tay đi tuyên truyền lại khi có yêu cầu vận động, kêu gọi việc gì, đa phần loa tay bị hỏng đành phải cố hết sức mà… la miệng”- Anh Thành cho hay.

Anh Trần Trung Nghĩa, trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Bãi Xép thuộc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cho biết: Trạm biên phòng Bãi Xép được thành lập từ năm 1977, đã 22 năm trôi qua nhưng mãi đến 2007 mới có một tờ báo của thanh niên. “Một tháng chế độ biên phòng cửa khẩu được lĩnh 380.000 đồng tiền đặt báo, nhưng hiện chỉ mua được duy nhất một tờ”, anh Nghĩa cho biết.      

Thèm khát thông tin

Chị Võ Thị Nguyên, một người dân của Bãi Xép trình bày: “Thế hệ chúng tôi đều không được học chữ, không biết đọc biết viết nên cố làm lụng và mong muốn các con của mình học hỏi và tiếp cận thông tin nhiều hơn. Có lúc con nó mang tờ báo cũ trên trường về đọc cho ba mẹ nghe mà thấy tủi thân vô cùng”.

Nhiều người dân ở đây không biết chữ nên mỗi khi nghe các con đi học về đọc thơ, học chữ là niềm an ủi đối với họ. Nhưng số học sinh trong thôn đủ điều kiện đến trường là cả một vấn đề, “Đa số học sinh học hết bậc tiểu học là nghỉ học, không phải vì chúng không học được mà chúng rất hiếu học, học giỏi nhưng hết lớp 5 là phải đi 10 cây số mới ra đến thành phố để có thể học tiếp.

Chỉ rất ít gia đình có xe máy còn chở con đi được, số còn lại đành ngậm ngùi buộc con nghỉ học, trông những đứa trẻ khóc van vì không được đến trường mà thương…” - anh Trần Trung Nghĩa thông tin như vậy.

Được biết, gần đây phường Gềnh Ráng đã sắm cho thôn Bãi Xép một loa phát thanh nhưng chờ đã gần năm trôi qua vẫn không dám dùng vì như lời ông trưởng thôn thì lý do chủ yếu là “kinh tế của địa phương quá hạn hẹp để trả tiền điện”.

Thế nên, không những không có nguồn thông tin từ báo, đài mà cả những nguồn thông tin về hội họp, về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đối với cả người dân và lãnh đạo thôn cũng rất hạn chế, chỉ được thông tin từ “loa miệng” của ông Trưởng khu vực 1. Không biết đến bao giờ cả nghìn người dân Bãi Xép mới được đáp ứng cái nhu cầu rất đỗi “thiết thực của cuộc sống ấy?

MỚI - NÓNG