Cả nước chung... sổ kế toán

Cả nước chung... sổ kế toán
Nếu dự án này triển khai thành công, chỉ cần vào mạng, click chuột là có thể biết các đơn vị trực thuộc các bộ ngành, địa phương sử dụng ngân sách ra sao, mua thiết bị giá bao nhiêu tiền...
Cả nước chung... sổ kế toán ảnh 1

Ông Vũ Văn Trường, giám đốc dự án quản lý tài chính công - Bộ Tài chính, cho biết mục tiêu mà dự án củng cố quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) hướng đến. Dự án này bắt đầu thực hiện trong năm nay.

Kiểm soát xe công, xây trụ sở, chi tiêu vượt ngân sách nhà nước

Từ lâu, không ít lãnh đạo cao cấp ngành tài chính đã mơ ước về một “quyển sổ kế toán số” lưu trữ thông tin về tình hình thu chi ngân sách của tất cả các cấp ngân sách, các bộ, ngành và các địa phương trên phạm vi cả nước. Mong ước này xuất phát từ thực tế: hệ thống thông tin của mạng lưới quản lý tài chính ngân sách hiện hành chưa được tốt.

Chẳng hạn tình trạng các cơ quan nhà nước mua xe công, xây trụ sở, trang bị thiết bị làm việc có nguồn vốn từ ngân sách... vượt quá tiêu chuẩn định mức do không bị kiểm soát sát sao. Đấy là chưa kể hằng năm đến khi làm dự toán, các địa phương thường “xin” thật nhiều, sau đó Bộ Tài chính lại phải “xén” bớt vì nguồn ngân sách có hạn. Lãnh đạo các cơ quan tài chính, lãnh đạo các địa phương muốn biết thông tin về thu - chi ngân sách cũng không thể cập nhật hằng ngày nên việc điều hành không hiệu quả.

Việc thiếu một hệ thống kế toán chung dẫn đến việc đưa ra các con số không đồng bộ, khó so sánh, không những không cung cấp được thông tin trung thực, kịp thời, đầy đủ về tình hình tài chính công cho lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ, mà cũng góp phần làm cho các luồng thông tin giữa các bộ, các tỉnh, các nhà tài trợ chưa hoàn thiện.

Các bất cập nêu trên sẽ được Bộ Tài chính khắc phục thông qua dự án quản lý tài chính công. Dự án được xác định là một trong bốn trụ cột của chương trình cải cách tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Hệ thống thông tin tích hợp là một nội dung quan trọng nhất của dự án, sẽ cho phép tổng hợp một cách đầy đủ và kịp thời về tình hình chấp hành ngân sách ở tất cả các cấp và trên phạm vi toàn quốc, tạo thuận lợi cho việc cung cấp thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô, giám sát nguồn thu, các khoản chi, đánh giá đúng thực trạng tài khóa tại các thời điểm cần thiết.

Dự án này được chia thành bốn cấu phần: củng cố quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis); củng cố, lập kế hoạch đầu tư và ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý nợ công; hỗ trợ quản lý dự án (với tổng số vốn lên đến 71,45 triệu USD). Tabmis là cấu phần chính của dự án, khi triển khai sẽ xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

Những tính năng ưu việt

Tabmis xây dựng một căn phòng chứa rất nhiều thông tin liên quan đến tài chính, ngân sách. Các thông tin do nhiều ngành trong lĩnh vực tài chính như: thuế, hải quan, kho bạc “đẩy” vào. Khi Tabmis hoàn thành, những người được quyền tiếp cận các thông tin này sẽ được cấp một mã số để truy cập. Mã số này chỉ cho phép vào vùng thông tin về ngân sách của tỉnh đó chứ không xem sang tỉnh khác được.

Tương tự như vậy, bộ nào xem được bộ đó, huyện nào xem được huyện đó... Vì thế vẫn đảm bảo được tính bảo mật. Chỉ có các lãnh đạo ở trung ương (thuộc mảng công việc mình phụ trách) mới có thể tiếp cận thông tin một cách tổng thể của bất cứ đơn vị, bộ, ngành nào.

Trung tuần tháng 12/2005, Tabmis được ký với nhà thầu IBM Singapore trị giá gần 49 triệu USD, chiếm khoảng 80% kinh phí ngân sách của dự án cải cách tài chính công bao gồm các chi phí đầu tư, chi phí vận hành hệ thống sau đầu tư. Tabmis được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ trung ương đến hơn 600 quận, huyện của 64 tỉnh thành, tại các cơ quan kho bạc, tài chính, cơ quan thuộc ngành kế hoạch và đầu tư.

Theo đó, các chức năng của Tabmis sẽ được triển khai qua một tập hợp các cấu phần phần mềm tích hợp đầy đủ, tạo nên một giao diện duy nhất với người sử dụng. Dự án này ứng dụng phần mềm theo chuẩn quốc tế đã được nhiều quốc gia sử dụng. Nó sẽ trợ giúp Kho bạc nhà nước trong việc thực hiện kiểm soát chi bằng cách theo dõi nắm bắt từng khoản thanh toán từ ngân sách được duyệt, cho đến khi giải ngân thật sự các nguồn vốn.

Những người sử dụng ở tất cả các đơn vị cần khai thác thông tin hoặc thao tác nghiệp vụ đều phải truy cập vào hệ thống máy chủ tại Kho bạc nhà nước thông qua hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính. Hệ thống luôn kiểm soát chặt chẽ, chỉ những người đủ thẩm quyền mới được truy cập vào hệ thống, chỉ được thực thi và khai thác dữ liệu trong phạm vi công việc của mình.

Theo hợp đồng được ký kết, hệ thống Tabmis này được triển khai tại các đơn vị thuộc ngành tài chính. Về lâu dài sẽ mở rộng hệ thống tới tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách. Sau khi được thiết lập, Tabmis sẽ là nơi lưu trữ sổ cái tổng hợp tập trung, trong đó ghi chép mọi giao dịch tài chính liên quan đến thu - chi ngân sách ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Đồng thời cho phép tạo lập mọi báo cáo kế toán cần thiết cho các bên liên quan một cách kịp thời. Bên cạnh đó, Tabmis cũng hỗ trợ thực hiện kiểm soát chi tiêu bằng cách theo dõi từng khoản mục thanh toán từ ngân sách. Tabmis cũng thực hiện ghi chép mọi khoản thu thuế được thực hiện qua Kho bạc nhà nước nhằm trao đổi thông tin về thu ngân sách.

Với những tính năng ưu việt, vượt trội so với hệ thống kế toán kho bạc hiện nay, Tabmis hứa hẹn sẽ hiện thực hóa giấc mơ về một “quyển sổ kế toán điện tử” khiến việc chi tiêu, ngân sách sẽ được công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó sẽ giúp việc giám sát được chặt chẽ, điều hành ngân sách được hiệu quả hơn.

Những... độ “vênh”!

Ông Vũ Văn Trường cho biết khi triển khai dự án này có không ít khó khăn. Trước hết là làm sao để mọi người từ lãnh đạo đến các cấp thực hiện hiểu được ý nghĩa to lớn khi thực hiện Tabmis. Hơn nữa, khi ứng dụng phần mềm này (đã được sử dụng tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển của các nhà cung ứng lớn trên thế giới) tại hệ thống kho bạc của Việt Nam sẽ có những độ “vênh”.

Vênh trước hết là về thể chế. Nếu có khó khăn về thiết bị công nghệ thì với những tiến bộ của công nghệ thông tin ngày nay chúng ta có thể giải quyết được, còn việc chưa phù hợp về các qui định mang tính pháp lý đòi hỏi phải có thời gian có khi cả một quá trình để chỉnh sửa (ở Việt Nam, việc sửa đổi một điều luật đòi hỏi rất nhiều thời gian) do đó cần quyết tâm của những người thực hiện.

Một khó khăn nữa là khi triển khai dự án sẽ động chạm đến kết cấu tổ chức thông tin vốn đã ổn định của hệ thống kho bạc. Trong khi triển khai hệ thống thông tin mới thay thế dần hệ thống cũ, yêu cầu đặt ra là vẫn phải duy trì được thông tin về tình hình chấp hành ngân sách một cách chính xác.

Điều khiến những người triển khai dự án lo lắng (mà chắc chắn không tránh khỏi) là sẽ gây nên xáo trộn bộ máy, “va” người nọ, “chạm” người kia, ảnh hưởng cả đến quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, để tiếp nhận và vận hành hệ thống Tabmis, việc đào tạo cán bộ cũng đang là yêu cầu cấp bách. Dự án Tabmis phải chuẩn bị đào tạo và đào tạo lại cho 14.000 người.

Theo Nguyễn Thành
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG