Ông Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH):

Cả nước còn 40% người nghiện ma túy chưa được quản lý

Cả nước còn 40% người nghiện ma túy chưa được quản lý
TP - Những năm gần đây, công tác cai nghiện ma tuý đã đạt những kết quả tích cực tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều đối tượng nghiện ma túy chưa được quản lý, gây bất an cho xã hội.
Cả nước còn 40% người nghiện ma túy chưa được quản lý ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ - TB&XH) - Ảnh: Phong Cầm

Trong khi việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa mang lại kết quả như mong muốn thì cánh cửa vào các trung tâm cai nghiện ngày càng hẹp.

Tiền phong vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.

Hầu hết các trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu cai nghiện

Khó khăn nhất trong công tác cai nghiện hiện nay là số lượng tiếp nhận vào các trung tâm quá ít.

Các trung tâm cai nghiện chỉ tiếp nhận được 30-40% số người nghiện; trong số còn lại chỉ có 20% được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; vẫn còn gần 40% đối tượng bị nghiện chưa được quản lý và tổ chức cai nghiện.

Với các đối tượng được quản lý bằng hồ sơ, các trung tâm cai nghiện hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; đó là chưa kể đến các đối tượng bị tái nghiện và đối tượng đang sống chung với cộng đồng chưa được quản lý.

Theo ông, vì sao các trung tâm cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu người dân ?

Trước hết là bởi các địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm xây dựng các trung tâm cai nghiện.

TPHCM là địa phương làm tốt công tác cai nghiện nhưng hiện nay cũng chỉ có 20 trung tâm, có thể cai nghiện cho 30.000 đối tượng; Hà Nội chỉ có 8 trung tâm và chỉ tiếp nhận được 50% trên tổng số 18.000 người nghiện.

Các địa phương còn lại chỉ tiếp nhận được 10-20% số người nghiện vào các trung tâm cai nghiện. Đặc biệt, đối với các tỉnh khó khăn, số lượng người được tiếp nhận vào cai nghiện khoảng 5%.

Cai nghiện tại trung tâm trước đây thời gian thường 6 tháng đến 1 năm, hiện là 1-2 năm nên số lượng vòng quay bị hạn chế. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân như: Thiếu kinh phí, thiếu bác sỹ chuyên về cai nghiện...

Đến năm 2010, phải đưa được 80% đối tượng vào các trung tâm cai nghiện

Được biết, chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là từ nay đến năm 2010, phải đưa được 80% đối tượng vào các trung tâm cai nghiện. Vậy, theo ông chúng ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Theo tôi, trước hết Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các tỉnh nghèo đầu tư xây dựng các trung tâm cai nghiện. Có như vậy các địa phương mới tiếp nhận được các đối tượng nghiện ma tuý vào cai tại các trung tâm cai nghiện và quy mô tiếp nhận của các trung tâm mới được nâng lên.

Vừa rồi, Chính phủ có thông báo số 88 về hỗ trợ một số tỉnh gặp khó khăn đầu tư xây dựng các trung tâm cai nghiện. Nhưng theo tôi số tiền đầu tư đó vẫn còn quá ít.

Theo ông Nguyễn Văn Minh: Luật phòng chống ma túy quy định người nghiện ma túy được phép cai nghiện theo các hình thức, như: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tại các trung tâm cai nghiện...

Theo quy định, cai nghiện tại trung tâm có thời gian 1-2 năm. Đối với người nghiện ma túy, khi cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng nhiều lần mà không được thì bắt buộc phải vào các trung tâm cai nghiện.

Cả nước hiện có trên 100 trung tâm cai nghiện, trong đó có hơn 10 trung tâm cai nghiện tư nhân.

Hiện, các trung tâm cai nghiện chỉ đáp ứng được hơn 10% trên tổng số 171.000 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Trên thực tế, số người nghiện chưa có số liệu điều tra và chưa được quản lý còn lớn hơn thế nhiều.

Ví như Phú Thọ, có trên 1.000 người nghiện, nhưng chỉ được Nhà nước đầu tư 3-4 tỷ đồng. Vì thế, 3-4 năm vẫn chưa làm xong trung tâm cai nghiện.

Nhiều địa phương vừa rồi  cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng các trung tâm cai nghiện với tổng kinh phí (theo đề nghị) là 500 tỷ đồng; nhưng đến thời điểm này Bộ KH&ĐT chỉ mới trình Chính phủ đồng ý cho một số tỉnh, mà những tỉnh được cho này nhiều nhất cũng chỉ được 50-70 tỷ đồng.

Theo quy định, một trung tâm cai nghiện cần phải đáp ứng được các điều kiện có khu tiếp nhận riêng để phân loại đối tượng; có khu trị liệu cho người nghiện; có khu dành riêng đối tượng dưới 16 tuổi, khu dành riêng phụ nữ; dành riêng những đối tượng tạm lưu trú 15 ngày...

Nếu căn cứ vào những điều kiện này thì hiện nay đa số các trung tâm cai nghiện vẫn chưa đáp ứng được, đó là còn chưa kể đến trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh, dạy nghề cho người sau cai.

Trong khi đó đội ngũ y, bác sỹ tại các trung tâm cai nghiện đang thiếu trầm trọng; sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường y dược thì không muốn vào các trung tâm cai nghiện để làm việc.

Ví như ở TPHCM, dù ưu đãi (bác sỹ là 4,5 triệu đồng; người vừa tốt nghiệp đại học 3 triệu đồng; trung cấp hơn 2 triệu) nhưng vẫn rất ít người xin vào làm việc.

Hiện, có tới 60% người nghiện là đối tượng có tiền án, tiền sự; nhiều trung tâm có trên 70% đối tượng tiêm chích ma tuý và bị nhiễm HIV; số đối tượng bị bệnh lao, gan... chiếm hơn 20%.

Vì phải đối mặt những đối tượng này nên các y, bác sỹ sau khi làm được một thời gian lại bỏ ra ngoài làm.

Để giảm áp lực cho các trung tâm cai nghiện, Nhà nước cần phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như trên. Ngoài ra, cần phải huy động các trung tâm cai nghiện tư nhân tham gia thì mới đáp ứng được.

Cần đa dạng hoá mô hình cai nghiện

Theo ông, cần phải có giải pháp nào để tăng cường năng lực cho các trung tâm cai nghiện?

Để nâng cao năng lực tiếp nhận cho các trung tâm cai nghiện, cần phải đa dạng hoá các mô hình cai nghiện. Đối tượng mới nghiện nhẹ thì gia đình, địa phương tổ chức cai, vì không thể cùng lúc đưa hết các đối tượng bị nghiện vào trung tâm cai nghiện được.

Nhà nước phải quan tâm hỗ trợ sao cho những địa phương khó khăn có thể đầu tư nâng cấp các trung tâm, sao cho các trung tâm đó đủ khả năng tiếp nhận ít cũng 80% số người nghiện. Đồng thời các địa phương phải quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm cai nghiện.

Cần khuyến khích tư nhân mở trung tâm cai nghiện, miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Để giảm áp lực cho các trung tâm cai nghiện thì phải tăng cường công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Một giải pháp quan trọng nữa, hiện chưa được quan tâm đúng mức; đó là phải tạo được nhiều “sân chơi” lành mạnh cho thanh thiếu niên.

Thực tế có nhiều phường hiện không có nổi một sân bóng đá cho thanh niên. Ngay như công viên nước Hồ Tây (Hà Nội), có phải gia đình nào cũng có 50.000 đồng mua vé cho con em mình vào chơi đâu.

MỚI - NÓNG