Cà phê không cà phê: Người Việt tự đầu độc chính mình

Nhiều người thích uống cà phê đen, đắng, sánh bọt (ảnh minh họa)
Nhiều người thích uống cà phê đen, đắng, sánh bọt (ảnh minh họa)
Thích uống cà phê thật đen, đắng, sánh, bọt... người Việt không biết rằng họ đang tự đầu độc chính mình, tạo cơ hội cho những người sản xuất cà phê pha thêm nhiều đậu nành, cho thêm nhiều gia vị, hương liệu không rõ nguồn gốc.

Ngày 12/7 vừa qua, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam vừa công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua.

Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Sự 'sành điệu' chết người

Uống đen nóng càng đắng càng chứng tỏ mình là người “sành điệu”, uống đen đá thì phải biết đánh cho lên nhiều bọt, còn uống nâu đá thì cà phê phải sánh đủ để “bám đá”, “bám thìa”, “bám thành cốc” v.v… Hình như cũng chính vì nhu cầu “sành điệu” đó của các “thượng đế” mà nhà sản xuất cà phê đã cho ra đời các sản phẩm cà phê pha tạp lung tung nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu đó.

Người uống cần cà phê đen, đắng, sánh, bọt; người sản xuất pha tạp, và càng pha họ lại càng thu về lợi nhuận nhiều hơn.

Một ông chủ nhãn hiệu cà phê bột gia truyền nổi tiếng tại Buôn Ma Thuột chia sẻ, muốn có cà phê rang xay ngon, cơ sở của ông phải làm qua rất nhiều khâu thủ công, các hạt “đen, nâu, sâu, vỡ” đều phải lựa bỏ đi, trong 100 kg chỉ chọn lấy được 65 kg.

“Giá thành của nó phải cao 150 nghìn đồng/kg mình mới sống nổi. Tất nhiên khách hàng khó chấp nhận, chê giá quá cao. Có người lại còn cho là cà phê sạch thì mùi vị lại không ngon bằng cà phê bẩn, thị hiếu khách hàng vì thế mà kém chuẩn đi! Càng ngày khách hàng càng ít mua cà phê xịn.

Nhiều quán cà phê trước đây chuyên lấy hàng của chúng tôi bây giờ cũng từ chối vì thị trường ngày càng tràn lan các loại cà phê bột rởm giá rẻ, lại pha chế được nhiều ly hơn, dậy mùi hơn nhờ các hóa chất tạo sánh và tạo bọt.”

Khi chất độc tích tiểu thành đại

Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy người Việt Nam trung bình uống khoảng 1 ly cà phê/ ngày. Nếu 365 ngày một năm uống những thứ không phải là cà phê, mà là hóa chất, thuốc ký ninh, đậu nành rang cháy thì sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe là một bài toán khó lường. 

Theo thống kê từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, kết quả nghiên cứu mới đây trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan của 30 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngoài nguyên liệu cà phê nhân thì có trên 70% số cơ sở dùng thêm đậu nành, bắp, đậu đỏ, caramel, hương liệu cà phê, bột va ni, rượu, bơ các loại, và có cả… nước mắm để sử dụng cho chế biến cà phê.

Tuy nhiên, tỉ lệ cà phê nhiều hay ít, các thành phần còn lại gồm những chất độn gì thì gần như không được kiểm tra, bóc tách để phân biệt.

Cà phê không cà phê: Người Việt tự đầu độc chính mình ảnh 1

Cận cảnh xưởng sản xuất cà phê trộn đậu nành, pha nước mắm, thêm phụ gia trong điều kiện mất vệ sinh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Bùi Thư 

Nhiều cơ sở chế biến nhỏ vì lợi nhuận và cả thiếu hiểu biết trong vấn đề an toàn thực phẩm mà sản xuất ra những sản phẩm không tốt, thậm chí mang tính độc hại. Họ rang đậu nành cháy để lấy độ đậm đắng và vị chát được lấy từ nhân cau để tăng thêm phần phấn khích khi uống cà phê.

Ngoài ra còn có chất CMC làm keo, giúp cà phê khi pha sẽ có chất kết dính sền sệt; bột tạo bọt trắng chỉ cần khuấy nhẹ là ly cà phê tràn bọt ngay; caramen tạo mùi muốn đắng kiểu nào cũng được, mùi nào cũng có…

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.

Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.

Cà phê không cà phê: Người Việt tự đầu độc chính mình ảnh 2

Gần như chỉ thấy toàn đậu nành, đếm chỉ được vài hạt cà phê trong phần cà phê được bốc ra từ bao đã bị niêm phong tại tại một xưởng sản xuất cà phê trộn đậu nành thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Bùi Thư 

Trong khi đó, “hóa chất không rõ nguồn gốc” lại là thứ dễ mua, dễ bán nhất tại chợ hóa chất Kim Biên, TP HCM trong suốt nhiều năm qua. Nơi đây được xem như nơi cung ứng hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm lớn nhất nhì tại Việt Nam. Từ công khai đến bán công khai và nay là trá hình với mức độ tinh vi và trắng trợn hơn, chợ “thần chết” Kim Biên vẫn đang là nỗi “ám ảnh” của người dân thành phố.

Đánh giá về vấn đề cà phê bẩn tại Việt Nam, ông William Robert Frith Jr - Chuyên gia quốc tế về kiểm soát chất lượng cà phê ở Mỹ cũng nhận định: “Tại Việt Nam, nhiều người không đủ khả năng để đánh giá chất lượng một ly cà phê “chuẩn”, vì vậy họ chỉ quan tâm đến giá cả. Vì quá tập trung vào giá thành thấp, nên nhiều công ty sản xuất đã “đi đường tắt” và làm cho sản phẩm của họ trở nên rẻ hơn – nghĩa là làm cắt giảm phần cà phê, hòa trộn với các loại hạt khác (bị rang cháy), hoặc thêm hương vị làm giảm chất lượng cà phê. Tất cả những điều này tạo ra “sản phẩm cà phê” chứ không còn là cà phê thật”.

MỚI - NÓNG