Cả 'rừng luật' không làm nước bớt bẩn

Nguồn nước mặt của chúng ta tới thời điểm 2018 vẫn ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng xấu (Trong ảnh: Công nhân đang vớt rác trên sông Tô Lịch - Hà Nội).Ảnh: Như Ý.
Nguồn nước mặt của chúng ta tới thời điểm 2018 vẫn ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng xấu (Trong ảnh: Công nhân đang vớt rác trên sông Tô Lịch - Hà Nội).Ảnh: Như Ý.
TP - Các văn bản pháp luật về môi trường, trong đó có nước ngày càng dày đặc, chồng chéo và đan xen nhưng “nguồn nước mặt của chúng ta tới thời điểm 2018 vẫn ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng xấu”, Liên minh Nước sạch cảnh báo nhân khai mạc Tuần lễ Nước Quốc tế Việt Nam ngày mai, 4/3, tại Hà Nội.

Khoảng 10 năm lại đây,theo nhóm lập báo cáo về thực trạng nước ở Việt Nam (VN) đến từ nhiều tổ chức khác nhau trong và ngoài chính phủ, mỗi năm cả nước có 3-4 vụ ô nhiễm nước quy mô lớn và hàng trăm vụ quy mô vừa và nhỏ.

 Bưng Cù bưng đi đâu?

Đồng Nai, tỉnh lớn thứ ba miền Nam, có suối Bưng Cù dài 4 km nom như một cây ốc quế, nhọn đằng đầu với chiều rộng một mét và cuối nở thành 30 m chỗ nối với Đồng Nai, sông nội địa dài nhất VN 586 km chảy ra sáu tỉnh thành Đông Nam bộ. Suối ấy thiêng và trong đến mức dân lập miếu thờ mang tên Ông Cù và Vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Ông Cù đúng năm 1858, thời điểm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta.

Cái danh, cái miếu và đình ấy đến giờ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trừ một cái mới là màu đen và mùi thối, “nước chỉ ngang tới bắp chân mà không ai dám lội xuống nữa”. Hiện tại, nó tiếp nhận nước thải của hơn 100 doanh nghiệp và 1.600 nhà trọ với tổng lưu lượng xả 15.000 m3/ngày. Khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho thấy, chỉ riêng các chất thuộc nhóm amoni (NH4+), phân huỷ từ rác và có thể chuyển hoá thành các chất gây ung thư, trên Bưng Cù đã vượt tiêu chuẩn cho phép 8-14 lần.

Sống ngay bên suối thì có thể thấy tác động nhỡn tiền như giảm mạnh lợi tức từ ruộng và hoa màu do nông dân phải tăng các loại chi phí trong đó có tiền xăng dầu bơm nước ngầm để tưới. Nhưng hiểm hoạ cho lưu vực sông Đồng Nai rộng 38.600 km2 vẫn là ẩn sổ khi nó chịu nguồn thải của vô số Bưng Cù khác.

Nói riêng về nước mặt, khoảng 16 hệ thống lưu vực sông lớn khác bao trùm 81% diện tích lãnh thổ cả nước đều có vấn đề. Rủi ro ô nhiễm còn gia tăng khi VN thuộc dạng căng thẳng về nước do chỉ đạt bình quân 950m3/người/năm so với giới hạn căng thẳng quốc tế là 1.700m3/người/năm, theo Chỉ số Căng thẳng Nước Falkenmark.

Với các sông nội thành thủ đô Hà Nội thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy trong tổng số 17 lưu vực sông lớn cả nước, “các thông số đều vượt quy chuẩn nước mặt loại B1 (dùng cho tưới tiêu chứ không phải cho ăn uống) nhiều lần, thậm chí vượt quy chuẩn nước thải sinh hoạt”, theo “Báo cáo nghiên cứu ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng luật kiểm soát ô nhiễm nước tại VN” dày 164 trang do Liên minh Nước sạch công bố hôm qua, 2/3, tại Hà Nội.

Không ngăn được xả bậy

Trong số các nguồn ô nhiễm cục bộ, đáng chú ý có cả các cơ sở công nghệ được cho là hiện đại cũng góp phần mà một trong những điển hình là nhà máy đạm Ninh Bình khi họ có lần xả hoá chất ra sông Đáy - dòng chính của lưu vực Nhuệ - Đáy ở Bắc bộ và là một trong năm sông dài nhất VN, với hàm lượng vượt 50-179 lần quy chuẩn cho phép. Đến khi cá chết hàng loạt cùng ba con bò, người ta mới phát hiện và vào cuộc chứ không phải nhờ sự giám sát của hệ thống luật pháp và các cơ quan quản lý.

Với hơn 200 bộ luật và hàng ngàn văn bản dưới luật, ông Nghiêm Xuân Bạch - nguyên Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (KHCN&MT) thuộc Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, ví nước ta có cả một “rừng luật”. Đã thế, tình trạng “chồng chéo, phức tạp, khó hiểu khiến chất lượng hệ thống luật Việt Nam hiện nay có thể nói là đi xuống”, ông Bạch cho biết.

Chỉ Luật BVMT thôi với tư cách luật khung cũng có 38 văn bản dưới luật. Nếu kể cả các luật khác như Luật Tài nguyên Nước. Luật Đa dạng Sinh học, Pháp lệnh Thuỷ lợi, hay cả Luật Hình sự, v.v…, các chế tài về kiểm soát ô nhiễm nước còn “bị chồng chéo tới mức tự vô hiệu hoá” chức năng kiểm soát các hành vi xả thải, theo bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường&Cộng đồng, chủ biên báo cáo.

“Hệ thống to lớn cồng kềnh tốn kém và thiếu vắng năng lực quản lý hiệu quả đã không thúc đẩy được tuân thủ và thực thi kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả” (trích báo cáo)

Bước đầu tiên của cuộc chiến là “ cho phép ra đời một luật kiểm soát ô nhiễm nước có tính thực thi cao” (trích báo cáo)

MỚI - NÓNG