Cá sấu xiêm bên bờ tuyệt chủng

Cá sấu xiêm bên bờ tuyệt chủng
Lý thuyết cho rằng cá sấu xiêm thuộc dạng hiền, không chủ động tấn công nếu không bị khiêu khích. Nhưng nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí khi truy tìm tung tích cá sấu xiêm ở Bàu Hà Lầm (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) lại nghe người Ê Đê ở Ea Lâm kể chuyện loài này hồi những năm 1970 từng bò lên bờ ăn thịt một nửa con bò trong chuồng.

> Cát Tiên hay thủy điện
> Tìm thấy cá sấu ở bể bơi công cộng

Người Ê Đê gọi cá sấu là cá lớn. Họ quan niệm hồn các tiền nhân khi chết thường nhập vào cá lớn nên không bao giờ dám làm hại cá sấu. Họ tôn trọng cá sấu xiêm như tiên tổ của mình.

Vì bị săn bắt thái quá, chúng được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh mục các loài cực kỳ nguy cấp. Năm 1992, dựa trên báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), người ta tin loài này đã tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng trong tự nhiên. Kể từ đó, các nhà bảo tồn gần như lật tung các vùng hoang dã lên để cố tìm xem còn cơ may nào không.

Năm 2004, một ổ cá sấu xiêm non được phát hiện ở tỉnh Savannakhet, nam Lào. Tại Việt Nam, năm 2001, IUCN tuyên bố cá xấu xiêm đã tuyệt chủng ở Ea Lâm. Nhưng năm 2005, dân địa phương thông báo nhìn thấy cá sấu nổi. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tràn đến lùng sục. Bốn năm liên tục phục kích ở đó, họ cũng chỉ nhìn thấy vết vảy, phân, và ánh mắt cá sấu đỏ rực trong đêm.

Gần đây nhất, ngày 29-9-2012, một con dài 3,2 m nặng gần 150 kg được phát hiện chết nổi bềnh trong tình trạng bị xiết cổ ở Ea Lâm. TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, xác nhận đây chính là cá sấu xiêm gần trăm tuổi. Không thấy trứng trong bụng dù nó là con cái.

Các nhà sinh học phỏng đoán nơi đây hầu như không còn cá thể đực nữa. Hoài nghi này từng được các nhà khoa học đặt ra tại đợt nghiên cứu năm 2005-2008. Ở đây còn hay hết cá sấu xiêm? Câu hỏi ấy vẫn chưa ai trả lời được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG