Các anh ở giữa lòng dân

Các cựu chiến binh xúc động trước tình cảm của người dân địa phương đối với các đồng đội liệt sĩ. Ảnh: Lê Trí Dũng.
Các cựu chiến binh xúc động trước tình cảm của người dân địa phương đối với các đồng đội liệt sĩ. Ảnh: Lê Trí Dũng.
TP - Cách đây 45 năm, trên đường tiến quân tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), một chiếc xe tăng của ta trúng bom B-52, bốn chiến sĩ hy sinh. Do mảnh đất này bị bom đạn bời bời nên mộ phần các anh sau đó đã mất. Gần đây, sau khi xây xong ngôi nhà thờ tại địa phương, người dân dành riêng một gian để ghi công, tưởng nhớ các anh.

Mưa bom bão đạn

Gần đây, tôi có dịp gặp đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng ban liên lạc Đại đội 4 (Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2), đơn vị đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 lịch sử. Trong câu chuyện, đại tá Nguyệt (thời đó là chiến sĩ lái xe tăng 380) bồi hồi nhớ về trận mưa bom diễn ra năm 1972 tại A Lưới khiến bốn đồng đội hy sinh.

“Sau khi các anh hy sinh không lâu, chúng tôi trở lại nơi chôn cất thì không tìm được mộ đồng đội. Đó là nỗi day dứt bao năm mà gần đây mới được giải tỏa khi chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa để dự lễ tưởng niệm các đồng đội tại nơi họ đã ngã xuống”- đại tá Nguyệt cho biết.

Đại tá Nguyệt kể, cuối tháng 3/1972, khi đang chuẩn bị tham gia cuộc tổng tấn công 1972, Đại đội 4 nhận lệnh cơ động độc lập vào tây Thừa Thiên - Huế để nhận nhiệm vụ mới. Sau hơn một tháng hành quân dưới mưa bom bão đạn, đầu tháng 5/1972, đơn vị tập kết tại A Lưới, một vị trí chiến lược án ngữ con đường huyết mạch phía đông Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Năm 1966, Quân Giải phóng miền Nam đã giành được quyền làm chủ khu vực này.

Năm 1969, Mỹ tung Sư đoàn kỵ binh bay số 1 hòng chiếm lại A Lưới nhưng thất bại, để lại những địa danh máu lửa như đồi A Bia mà họ kinh hoàng gọi là đồi Thịt Băm (đồi Hăm-bơ-gơ). Từ đó, A Lưới trở thành trọng điểm đánh phá của không quân địch. Cả một vùng địa hình bị biến dạng không kém gì Ngã ba Đồng Lộc. Đại đội 4 hành quân đến đây trong bối cảnh ác liệt đó.

Ngày 7/5/1972, khi Đại đội 4 đang chuẩn bị hành quân, máy bay B-52 của địch bất ngờ ào tới rải thảm. Cả khu vực rộng lớn rung lên như động đất, khói lửa mịt mù. Đội hình xe tăng chao đảo giữa cánh rừng, cây đổ ngổn ngang. Bất ngờ, xe tăng 388 bị một quả bom tấn đánh trúng. Khi đợt ném bom vừa dứt, mọi người vội đến bên xe tăng 388, thấy bên trong không có động tĩnh.

Một chiến sĩ trèo vào xe, thấy pháo thủ Nguyễn Minh Luyến (quê Phú Thọ) nằm sấp trên buồng lái. Kéo đồng đội ra phía cửa an toàn của xe, anh thấy người Luyến mềm nhũn, máu trong tai rỉ ra. Những đồng đội khác đưa tiếp các anh Lê Mạnh Hùng (quê Nghệ An), Vũ Ngọc Kiểm (Hải Dương) và Lê Khả Mai (Thanh Hóa) ra khỏi xe. Họ đau đớn khi thấy tất cả đã hy sinh.

Sau khi tổ chức chôn cất đồng đội, đơn vị tiếp tục lên đường. “Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi có dịp trở lại A Lưới nên tổ chức đi tìm mộ đồng đội. Tuy nhiên, do đây là một trọng điểm đánh phá, không biết bao nhiêu bom đạn Mỹ đã ném xuống đây khiến mộ các đồng đội không thể tìm ra”- đại tá Nguyệt xúc động kể.

Các anh ở giữa lòng dân ảnh 1 (Từ phải sang) Các cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nguyệt, Nguyễn Văn Tập, Ngô Sĩ Nguyên tặng địa phương bức ảnh kỷ niệm. Ảnh: Lê Trí Dũng.

Tình sâu nghĩa nặng

Năm 2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, các cựu chiến binh Đại đội 4 có dịp thăm lại chiến trường xưa, với điểm hẹn cuối cùng là TPHCM, nơi đại đội vinh dự là đơn vị đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 lịch sử.

Trong chuyến đi này, đại đội đến thăm A Lưới. Tất cả ngỡ ngàng khi thấy địa danh từng là trọng điểm đánh phá với chi chít hố bom nay đã trở thành phố sá, làng mạc đông vui. Vui trước sự đổi thay, các cựu binh Đại đội 4 càng nhớ tới bốn đồng đội xe tăng 388. Biết tìm vị trí các anh đã hy sinh ở đâu để thắp cho đồng đội nén hương?

Lát sau, trong buổi giao lưu với bà con xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, các cựu binh Đại đội 4 gặp cô giáo Trần Thị Nghiêu, người biết vị trí chiếc xe tăng 388 trúng bom nằm ở xã bên. Cô Nghiêu cho biết, năm 1976, khi còn nhỏ theo gia đình về đây sinh sống, cô thấy chiếc xe tăng ở gần nhà mình.

Nghe cô giáo Nghiêu mô tả sơ qua về vị trí chiếc xe tăng, các cựu binh Đại đội 4 đều công nhận đó chính là nơi trú quân của đơn vị trước đây, và chỗ chôn các đồng đội cũng gần đó. Các anh lập tức theo cô Nghiêu đến xóm 2, thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy, A Lưới) để xem lại nơi xe 388 bị trúng bom.

“Tại đây, đối chiếu với những địa vật còn lại, chúng tôi xác định được vị trí xe tăng 388 trúng bom, bây giờ là đất vườn của một hộ dân. Hố bom ngày xưa vẫn còn, nay được người dân cải tạo thành ao nuôi cá. Còn khu vực mai táng các liệt sĩ ngày xưa giờ cũng là xóm làng trù phú. Theo lời kể của người dân nơi đây, trong quá trình đào móng xây nhà, họ không gặp bộ hài cốt nào”- đại tá Nguyệt cho biết.

Các anh ở giữa lòng dân ảnh 2 Gian thờ các liệt sĩ tại nhà thờ địa phương. Ảnh: Lê Trí Dũng.

Sau lần đi đó, các cựu binh Đại đội 4 bày tỏ mong muốn được dựng một ngôi miếu nhỏ tại đây để làm nơi cho hương hồn các liệt sĩ trở về. Năm 2016, Trưởng ban liên lạc Đại đội 4 Nguyễn Khắc Nguyệt cùng họa sĩ Lê Trí Dũng - một cựu lính xe tăng, người bạn thân thiết của Đại đội 4 - trở lại A Lưới. Khi biết ý tưởng xây miếu, lãnh đạo và người dân địa phương nơi đây đều ủng hộ.

“Bà con nói, nếu chúng tôi muốn xây miếu thờ đúng vị trí xe lật, họ sẽ vận động chủ hộ hiến đất. Còn hiện tại, xóm vừa xây dựng được một ngôi nhà thờ, nếu muốn xây miếu trong khuôn viên thì bà con ủng hộ ngay. Nếu muốn đưa hương linh các liệt sĩ vào thờ cúng trong gian nhà thờ, bà con cũng đồng ý”- đại tá Nguyệt cho biết.

Có dịp gặp họa sĩ Lê Trí Dũng, tôi được biết thêm: Bà con xóm 2, thôn Quảng Vinh vốn là người dân ở địa phương khác của tỉnh Thừa Thiên - Huế về đây để xây dựng quê hương mới. Sau nhiều năm, họ đã biến vùng đất chi chít hố bom thành xóm làng trù phú. Gần đây, người dân lại vận động nhau tự đóng góp để xây dựng một ngôi nhà thờ làm nơi thờ tự và cũng là địa điểm sinh hoạt chung của xóm.

Ngôi nhà thờ có 3 gian, gian giữa thờ thần linh, một gian thờ vong linh bà con trong xóm đã mất, còn một gian thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này. Họ đã bày tỏ việc đưa hương linh bốn liệt sĩ xe tăng 388 vào trong nhà thờ của xã. Hai cựu binh Nguyệt và Dũng rất mừng. Bởi trước đó, các anh băn khoăn, nếu miếu được xây lên mà họ ít có điều kiện quay lại hương khói thì miếu dễ trở nên lạnh lẽo.

Nay được đưa về với dân, các anh sẽ được hương khói thường xuyên. Sau khi nhận được tin này, các cựu chiến binh Đại đội 4 rất xúc động. Họ dự định năm sau, đúng ngày 7/5 sẽ trở lại đây để cùng bà con làm lễ tưởng niệm, an vị cho các đồng đội liệt sĩ vào ngôi nhà thờ của địa phương.

Các anh ở giữa lòng dân ảnh 3 Hố bom năm xưa vẫn còn. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.

Ngày 7/5 vừa qua, đúng 45 năm các chiến sĩ xe tăng 388 hy sinh, các cựu chiến binh Đại đội 4, thân nhân 4 liệt sĩ Nguyễn Minh Luyến, Lê Mạnh Hùng, Vũ Ngọc Kiểm và Lê Khả Mai đến xóm 2, thôn Quảng Vinh, xã Sơn Thủy để làm lễ tưởng niệm, cầu siêu và đưa linh vị các liệt sĩ vào ngôi nhà thờ địa phương.

Đại diện lãnh đạo Lữ đoàn xe tăng 203, huyện A Lưới, xã Sơn Thủy… đến tham dự lễ tưởng niệm. Một số cựu binh Đại đội 4 cũng đưa người thân cùng đi, như vợ của các anh Nguyễn Văn Tập và Ngô Sĩ Nguyên, hai cựu thành viên xe tăng 390, xe tăng đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập. Lễ tưởng niệm, cầu siêu diễn ra ấm áp nghĩa tình, nhiều cựu chiến binh không kìm được nước mắt vì nhớ thương đồng đội, vì tình cảm của người dân địa phương dành cho các liệt sĩ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.