Các đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ 'nhân bản' kết quả xét nghiệm

Các đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ 'nhân bản' kết quả xét nghiệm
TP -Trao đổi với Tiền Phong, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bức xúc cho rằng, việc “nhân bản” các mẫu xét nghiệm máu tại BV Đa khoa Hoài Đức thể hiện sự băng hoại về đạo đức ở một ngành được xã hội coi trọng, và làm mất đi niềm tin của người dân.

> Điều tra nghi án bệnh viện 'nhân bản' kết quả xét nghiệm
> Chuyện khó tin: một xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!

Sắp tới, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ vào cuộc một cách quyết liệt và gắt gao trong việc giám sát y đức tại những nơi đã xảy ra các vụ việc như BV Đa khoa Hoài Đức và cũng nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự.

Vì sao Bộ Y tế, Sở Y tế không tìm ra?

“Qua báo chí tôi được biết về việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) và trước đó đã có người đứng lên tố cáo những việc làm sai trái tại bệnh viện này từ rất lâu. Vậy ai là những người nhận đơn thư đó, tại sao nhận được đơn thư không xem xét, xử lý? Tại sao cả một hệ thống thanh tra gồm thanh tra của Bộ Y tế, thanh tra của Sở Y tế Hà Nội không tìm ra?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đặt câu hỏi. TS Nguyễn Văn Tiên cho rằng, với vụ việc này, Bộ Y tế, TP Hà Nội phải điều tra làm rõ, xử lý thật nghiêm và công khai kết quả để làm gương cho kẻ khác. Bởi nếu chỉ xử lý kỷ luật ở mức “nội bộ” sẽ khiến các bác sĩ suy thoái đạo đức bị “nhờn thuốc”.

Về vấn đề giám sát y đức, ông Tiên nói: “Đi đâu cũng chỉ nghe các nơi báo cáo là đang thực hiện tốt các biện pháp giáo dục y đức cho các y bác sĩ, và rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi báo chí, người dân phát hiện những vụ việc như “ăn bớt” vắcxin, “nhân bản” kết quả xét nghiệm thì mới vỡ lở ra. Vì vậy, ngành Y tế cần cám ơn báo chí đã điều tra, công khai để dư luận biết về những vụ việc như tại BV Đa khoa Hoài Đức”.

Để chữa trị những “căn bệnh nan y” trong ngành Y tế như “ung thư phong bì”, tắc trách, vô cảm, ông Tiên đề nghị “không thể hô hào, phát động phong trào, giáo dục, tuyên truyền mãi được mà nên sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như nhờ công an đóng giả bệnh nhân để điều tra, thu thập bằng chứng và xử lý hình sự”.

Rất nghiêm trọng

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai khẳng định vụ “nhân bản” là “rất nghiêm trọng”. “Báo chí đã đưa tin và cơ quan điều tra đang vào cuộc làm rõ. Tôi cũng đang theo dõi sát sao vụ việc này”, bà nói.

N.C.KHANH
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG