Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 7

Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 7
TP - Trước diễn biến của cơn bão Higos, hôm qua, 1/10, BCĐ PCLB T.Ư và Ủy ban quốc gia TKCN có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải.
Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 7 ảnh 1
Thưng che lợp lại nhà sau bão

Theo đó, yêu cầu các đơn vị trên thông báo cho chủ các tàu, thuyền và chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện hoạt động xa bờ biết vị trí, diễn biến, vùng ảnh hưởng của bão để chủ động di chuyển vào bờ và không đi vào vùng nguy hiểm.

Đối với các phương tiện khi về nơi neo đậu, kiên quyết không để người ở lại trên tầu thuyền để đảm bảo an toàn.

Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu để tránh bị thiệt hại. Kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và phương tiện, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các sự cố.

Đề phòng bão diễn biến phức tạp, có thể thay đổi hướng, yêu cầu các tỉnh từ ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần chủ động các phương án đối phó với bão, mưa, lũ...

Quảng Bình: Ráo riết chuẩn bị phòng chống cơn bão Higos

Ngay sau khi bão số 7 đi qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành và các địa phương tích cực huy động vật lực nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Từ nguồn ngân sách dự phòng, tỉnh đã hỗ trợ cho những gia đình có người chết trong bão số 7, mỗi gia đình 3 triệu đồng; những gia đình có người bị thương, mỗi gia đình 1 triệu đồng; những hộ gia đình có nhà bị sập, trôi, hư hỏng nặng, mỗi gia đình 5 triệu đồng.

Dân trong vùng bị ảnh hưởng nặng của bão số 7, mỗi người được hỗ trợ 15 kg gạo khẩn cấp cứu đói. Các đội vệ sinh phòng dịch sẵn sàng các cơ số thuốc về vùng bão lụt đi qua nhanh chóng xử lý nguồn nước và môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.

Để chủ động phòng chống cơn bão Higos, lãnh đạo của tỉnh này cũng đã ráo riết chỉ đạo các lực lượng tại chỗ sẵn sàng các phương tiện, vật tư ứng phó khi bão ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn.

Nghệ An : Cảnh giác với lũ quét hoàn lưu sau bão

Chiều 1/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi cho biết, cơn bão số 7 tuy đã chuyển hướng, nhưng không khí đối phó với mối hiểm nguy lũ quét hoàn lưu sau bão từ thượng nguồn đổ bộ xuống các huyện miền Tây tại Nghệ An hiện vẫn đang “căng như dây đàn”.

Tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện có bến đò ngang phải cử người canh chừng, túc trực 24/24h, kiên quyết không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Tại các xã vùng sâu vùng xa nơi có nguy cơ lũ quét cao, phải linh động để các em học sinh được nghỉ học khi xuất hiện mưa lũ lớn, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Ban PCBL tỉnh cũng đã thực hiện phương án tạm thời di dân ở một số huyện có nguy cơ lũ quét đi qua như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn…  

Thanh Hoá: Đề phòng lũ ống, lũ quét có thể xảy ra

Chiều 1/10, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hoá cho biết: Do sóng to, gió lớn  nên 2 chiếc tàu khai thác ở ngoài biển của ngư dân xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) trên đường vào nơi trú bão số 7 đã gặp nạn, làm 4 người mất tích.

Tàu thứ nhất mang số hiệu là TH - 1958 của ông Phạm Văn Dũng trên đường vào cảng Cửa Lò (Nghệ An) va phải đá ngầm bị chìm lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/9. Trên tàu có 5 người, trong đó có 2 người bơi được vào bờ còn 3 người mất tích (gồm Nguyễn Văn Tiến, Trịnh Văn Long, Phạm Văn Mạnh).

Chiều cùng ngày, tàu mang số hiệu TH-6454 gặp nạn khi cách cửa biển Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) 3 hải lý, hất ông Nguyễn Văn Hải xuống biển (hiện đang mất tích). Ngoài ra, sóng lớn còn đánh chìm một thuyền đánh bắt hải sản ven bờ của ngư dân xã Hải Châu; làm trôi dạt boong tông của một công ty cơ giới nạo vét Cảng Nghi Sơn vào hải phận huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với tỉnh Nghệ An tìm kiếm 4 ngư dân mất tích ở xã Hải Châu và trục vớt hai tàu, thuyền bị chìm.

Chủ động đối phó với cơn bão xa, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương tiêu thoát nước đệm, tiếp tục thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín, đề phòng nước biển dâng cao xâm thực vào đất liền và nguy cơ lũ ống, lũ quét có thể xảy ra.

Trên công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt lực lượng thường trực cùng vật tư, máy móc  sẵn sàng đối phó với thiên tai...

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.