Các địa phương, lực lượng khẩn trương phòng, chống bão số 2

Các địa phương, lực lượng khẩn trương phòng, chống bão số 2
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo và phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Sở Thuỷ sản, các huyện thị, thành phố giáp biển thông báo liên tục cho tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản vào bờ hoặc tìm nơi an toàn để tránh bão.

Các tàu thuyền du lịch trên vịnh Hạ Long được cập nhật thông tin liên tục và hướng dẫn tìm những nơi trú bão an toàn tại vụng Ba Hang, vụng Lán Bè, vụng Bồ Nâu (thành phố Hạ Long), Vũng Hoa, Vũng Đục (thị xã Cẩm Phả)...Những đơn vị chức năng túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Các vùng đê, kè trọng điểm xung yếu ở các địa phương đang được kiểm tra, rà soát nhằm gia cố lại, nhất là tuyến đê biển Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng. Các đơn vị khai thác than trên địa bàn đang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương gia cố các điểm dễ sạt lở tại các khu vực khai thác, đổ thải. Riêng những huyện miền núi khẩn trương thực hiện phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động đối phó nếu mưa to gây lũ quét, sạt lở.

Sáng 5/8, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn cấp để tiếp tục triển khai một số công tác phòng chống bão số 2. Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các phương án phòng chống và sẵn sàng ứng phó với bão.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các máy ICOM cộng đồng tiếp tục giữ vững thông tin liên lạc với các tàu cá đang hoạt động tại các vùng biển, nhất là vùng biển Trường Sa, Trung Sa, Hoàng Sa; không cho các loại tàu ra khơi đánh bắt hải sản; giao cho Bộ đội Biên phòng và Tỉnh Đội tổ chức cưỡng chế đưa ngay 6 chiếc tàu đánh bắt hải sản ven bờ vào nơi trú bão an toàn, kiên quyết xử lý đối với những chủ phương tiện chống đối; giao cho Sở Thủy sản phối hợp với Sở Bưu chính- Viễn thông khẩn trương đăng ký tầng số đối với hệ thống máy Icom cộng đồng dọc các huyện ven biển, hải đảo;

chỉ đạo Bộ đội Biên phòng khẩn trương lắp đặt hệ thống thông tin máy ICOM theo dự án đã duyệt cho các trạm, đồn trên địa bàn tỉnh. Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cùng các đồng chí trong BCH PCLB& TKCN tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại một số dự án lớn ở khu kinh tế Dung Quất.

Đại tá Nguyễn Thanh Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, đến 6h sáng 5/8, tổng số tàu thuyền của ngư dân tỉnh còn hoạt động và trú ẩn trên các vùng biển là 399 chiếc với 3.088 ngư dân, hiện đang giữ vững liên lạc với hệ thống thông tin với đơn vị. Trong đó vùng biển quần đảo Trường Sa có 42 chiếc/583 ngư dân; Hoàng Sa 2 chiếc/33 ngư dân; Trung Sa 17 chiếc/233 ngư dân; các tỉnh phía Bắc 215 chiếc/1.572 ngư dân và các tỉnh phía Nam 123 chiếc/667 ngư dân.

Lực lượng Biên phòng tỉnh cũng đã tổ chức cứu hộ thành công chiếc tàu QNg 6346 TS của ông Nguyễn Văn Lộc (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, trên thuyền có 15 ngư dân bị hỏng máy không khắc phục được, đã đưa chiếc tàu này vào cảng Sa Kỳ an toàn. Ngay sau đó, Hải đội 2 đã hướng dẫn chiếc tàu QNg5745-TS của ông Phạm Trung Kiên có công suất 39 CV gồm 14 ngư dân gặp sóng to gió lớn cách bờ biển của tỉnh khoảng 30 km chạy vào cảng Sa Kỳ lúc 20h ngày 4/8 an toàn.

Thực hiện Công điện số 1071 của Thủ tướng Chính phủ, các Quân khu 3,4,5,7, Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án, duy trì chỉ huy, trực ban, trực phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm lực lượng và phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nắm số lượng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để hướng dẫn vào nơi trú ẩn;

ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã triển khai máy bay trực thăng bay báo bão khu vực duyên hải miền Trung.

Tính đến 15h ngày 4/8, Bộ đội Biên phòng đã hướng dẫn được 14 tàu/276 ngư dân của Đà Nẵng; 2 tàu/33 ngư dân của Quảng Ngãi vào neo đậu tránh bão tại các đảo; tổ chức băn pháo hiệu theo quy định tại 13 điểm ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Thông báo, hướng dẫn được 14.164 tàu/89.168 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2.

Trên địa bàn Quân khu 5, đến 19h ngày 4/8, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi đã liên lạc, hướng dẫn các tàu vào nơi tránh bão. Quân chủng Hải quân điều động tàu Trường Sa 18 trực tại đảo Trường Sa Lớn đi cứu tàu cá QNg 95988. Đến 1h30 ngày 5/8, tàu Trường Sa 18 đã tiếp cận được tàu cá bị nạn và kéo về đảo Đá Tây.

Tại khu vực Tây Nguyên, từ ngày 2-3/8, do mưa to kéo dài làm mực nước dâng cao gây ngập lụt nhiều hộ dân thuộc các xã Yav và Yalop, huyện Ya Súp (Đắc Lắc); xã Đắc Knông, huyện Krông nô (Đắc Nông). Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức di dời 79 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đến 9 giờ ngày 5/8, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã thông báo diễn biến cơn báo số 2 đến từng tàu đang đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có 2.882 tàu, thuyền các loại đã vào bờ trú ẩn, còn 1.577 chiếc trong tổng số 4.459 chiếc ra khơi của 3 địa phương trên đang trên đường khẩn trương vào bờ.

Riêng huyện Nghi Lộc có khoảng 400 chiếc ra khơi tập trung chủ yếu ở 2 xã Nghi Quang, Nghi Thiết nhưng đến nay chính quyền và các ban ngành huyện vẫn chưa thông báo cho các tàu thuyền vào bờ trú ẩn. Đây là địa phương không thực hiện nghiêm công điện chống bão của tỉnh.

Hiện một số địa phương ở tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, nên Nghệ An đang tập trung triển khai các phương án chống úng cho các vùng thấp, di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm có khả năng xẩy ra lũ ống, lũ quét, nhất là ở các huyện miền núi cao có độ dốc lớn như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu...

Thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống sạt lở, cuốn trôi các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện đang thi công dở dang nằm trên các trục đường giao thông và trên các sông, suối, hồ đập Cầu Cau, Lợ Lò, Cửa Ông thuộc huyện Thanh Chương; 3 đập ở huyện Anh Sơn; 4 hồ, đập thuộc huyện Yên Thành và 4 hồ đập ở huyện Quỳnh Lưu./.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...