Các kiểu ở nhà thời Corona

Nhiều người muốn ở nhà làm youtuber nút vàng
Nhiều người muốn ở nhà làm youtuber nút vàng
TP - Cùng với việc nghỉ học kéo dài của trẻ em, phần lớn bố mẹ phải thay nhau ở nhà để trông con. Rất nhiều người đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống “không ra khỏi cửa”, hơn nữa còn tìm ra vô vàn cách để đi qua quãng thời gian này một cách thú vị.

Ngồi nhà kiếm tiền

Theo thống kê của kênh Youtube, trong hai tuần sau nghỉ Tết (trùng với lịch nghỉ Corona của trường học) số lượng người đăng ký kênh riêng tăng đột biến, khoảng gần 40.000 lượt so với trước đó. Không chỉ giới trẻ, rất nhiều công viên chức, trung niên... nhận ra Youtube chính là một cửa kiếm tiền. Chỉ cần tạo kênh riêng, chăm chỉ post video là có hy vọng kiếm từ vài đến vài chục triệu một tháng.

Tuy nhiên, cho đến nay “công thức hốt view” của youtube vẫn khá hên xui. Có người đầu tư âm thanh hình ảnh cực kỳ kỹ lưỡng vẫn chỉ có số lượt xem lèo tèo. Trong khi một “trẻ trâu” miền núi với nhiều clip ngô nghê thì cán mốc triệu lượt xem. Sự khó lường của độc giả là một bài toán khó với rất nhiều người trông chờ vào cửa làm giàu này.

Nguyễn Di Nhiên (Hà Nội) là một “ngôi sao youtube” mới nổi trong cộng đồng handmade. Có kênh riêng từ trước đó nhưng phải đến đúng dịp nghỉ Corona này lượng truy cập vào kênh của Nhiên mới tăng đột biến. “Có ngày lượt người truy cập đến hơn 900 ngàn, con số trước đó mình chưa từng nghĩ đến. Đa số hỏi cách cắt sửa quần áo, làm vòng thủ công vì mọi người ở nhà nhàn quá. Đây cũng là động lực để mỗi ngày mình đều cố gắng làm một video mới”, Nhiên cho biết.

Nhiên không phải trường hợp duy nhất được “lượng view khủng bổ vào đầu”, nhiều youtuber như Khải Hoàng (chuyên video làm bếp), Isabell Thủy (dạy giao tiếp tiếng Anh miễn phí), Trầm Bánh (dạy làm bánh), Khoa guitar (dạy guitar)... đều có lượng fan tăng đột biến trong thời gian này.

Cũng tranh thủ thời gian nghỉ phát sinh, Minh Hằng (sáng lập nhóm Tỉ Mỉ) đăng trên trang cá nhân nhận tái chế, gia công quần áo và trang sức thủ công. “Sau một tuần, số lượng đơn hàng làm mình choáng, đến mức phải thuê thêm 5 công nhân mới kịp tiến độ trả hàng. Hình như mọi người rảnh quá nên có nhiều thời gian nghiên cứu về trang sức, quần áo.

Các kiểu ở nhà thời Corona ảnh 1 Tranh thủ nghỉ dịch mẹ dạy bé làm đồ chơi

Chỉ là cắt cái này, nối cái kia, thêu chỗ này, đục lỗ chỗ kia mà doanh thu một tuần của mình bằng nửa năm đi làm trước đó” - Hằng khoe. Mà tất cả vốn liếng trước đó của Hằng chỉ là những hình ảnh đăng trên trang cá nhân: cái váy được chữa từ áo sơ mi, vòng cổ tái chế từ miếng gỗ lim trong nhà kho...

Mùa nghỉ dịch cũng là lúc “ăn nên làm ra” của những đầu bếp không chuyên. Hàng quán đóng cửa là điều kiện cho những dịch vụ “từ bếp đến bàn ăn nhà bạn”. Các món ăn phải mất nhiều công chế biến như cá kho, thịt kho Tàu, chả cá, giả cầy, lươn om chuối đậu... trở nên đắt khách. Chị Nguyễn Thảo (fanpage Cơm Nhà) cho biết, hai ngày cuối tuần chị bán 520 hộp cá kho, 370 suất lươn om chuối đậu. Có ngày khách đặt nhiều phải xin lỗi vì không phục vụ kịp.

Các kiểu ở nhà thời Corona ảnh 2

Thông báo đám cưới của một thanh niên với Nồi cơm điện

Những đàn ông mê nồi cơm điện

Là một group mới nổi, nhưng trùng với thời gian đại dịch, từ khóa “Hội anh em đam mê nồi cơm điện Việt Nam” bỗng trở thành hot trend với 341.000 kết quả hiển thị chỉ sau 0,44 giây tìm kiếm trên Google. Thành viên của nhóm nhanh chóng tăng đến 284.641 người. Việc chia sẻ các khoảnh khắc, mẹo vặt bên nồi cơm điện “sau một đêm” trở thành trào lưu chiếm sóng mạng xã hội của hàng trăm nghìn người đàn ông.

Mỗi status được duyệt trên nhóm sơ sơ cũng có từ 4.000-5.000 lượt tương tác. Số lượng like, comment còn “vỡ trận” khi gặp những hình ảnh các anh em “cưới” nồi cơm làm vợ, đưa nồi cơm đi du lịch, sáng tác ca khúc tặng nồi cơm điện và đứng giữa mưa hát cùng nồi Cúc Cu.

Một thành viên trong nhóm giải thích lý do họ đam mê nồi cơm điện: “Các cô gái hay giận dỗi chứ nồi cơm luôn ngoan ngoãn và cho chúng tôi bữa cơm no”.

Nồi cơm điện không phải là nhóm “nhảm bà cố” duy nhất phát sinh trong thời gian nghỉ dịch. Có tới hàng chục group vui là chính nổi như cồn trong thời gian này và đều thu hút một lượng fan khủng như: Hội cà khịa (168.000 thành viên), Hội nhỡ mồm (220.000 thành viên), Hội thích chặn họng (149.000 thành viên)...

Mr.Khang Kheo (quản trị viên Hội thích chặn họng) cho biết: “Thời gian trông con dài quá, không vào mạng tán nhảm thì biết làm gì cho hết ngày. Tôi không ngạc nhiên khi số lượng thành viên tăng nhanh trong thời gian này. Chúng tôi muốn làm gì đó để bớt đi những thông tin đen tối, ít nhất là để giải tỏa tinh thần của các thành viên trong group”.

Các kiểu ở nhà thời Corona ảnh 3

Hát trong mưa với Cuc Cu đạt 4,6 nghìn lượt like (hình ảnh từ clip)

Nguyễn Thành - một thành viên trong số những Thanh niên mê nồi cơm điện cho biết, ban đầu anh tham gia nhóm vì tò mò. Sau nữa thì học được cách tận dụng hết công suất những tính năng của nồi cơm điện. Theo đó bố con anh chủ động được bữa trưa trong lúc mẹ vắng nhà.

Cùng với những status gây cười, hiện nay anh Thành đã học được cách nấu cơm, luộc trứng, hấp rau... chỉ trong một vài thao tác. “Rất nhiều người trong nhóm đã nhăm nhe sắm nồi cơm điện mini đem đến chỗ làm vì không nghĩ một bữa trưa có thể đơn giản - nhanh chóng - đủ chất và có khả năng chống Covid-19 như thế”, anh Thành kể.

Kỹ nghệ trông con

Trường học đóng cửa, khiến nhiều phụ huynh phải làm việc tại nhà để trông con. Theo đó bắt đầu phát sinh 1.001 mẹo vặt để trẻ sinh hoạt lành mạnh mà không phụ thuộc vào tivi hay smartphone.

Chị Nguyễn Xuân Hoa (Định Công, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có hai anh em, thế là bốn người lớn luân phiên nhau ở nhà để trông trẻ con cho hai nhà. Bắt chúng nó học bài, tự chơi mãi cũng chán. Tôi phải lên mạng hỏi đủ các loại trò chơi tập thể để không đứa nào còn quan tâm đến tivi nữa. Trông trẻ con mới biết, thực ra muốn chúng nó tránh xa smartphone rất dễ, trẻ con chỉ cần có người chơi cùng nó sẽ không còn muốn dán mắt vào màn hình máy tính”.

Chị Trần Hà An (Thanh Xuân, Hà Nội) có một mẹo trông con được nhiều người hưởng ứng là: dạy con làm bếp. Theo đó, mỗi ngày chị Hà An dạy hai con của mình một thao tác làm bếp: vo gạo, nhặt rau, rửa rau, đánh trứng, nhào bột, cuốn nem... Từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Sau 1 tuần con gái lớn của chị (9 tuổi) đã có thể tự làm bánh bông lan, con trai út (6 tuổi) đã biết cắm cơm và rán trứng. Các video do chị An ghi lại thường xuyên nhận được lượt tương tác lớn, từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn like và share.

Anh Nguyễn Văn Thắng (Đống Đa, Hà Nội) thì mở cuộc thi review sách cho trẻ con trong khu phố. Mỗi ngày, anh Thắng yêu cầu các thành viên nhí đọc một cuốn sách (tối thiểu 10 trang) và viết bài thu hoạch. Cứ ba ngày sẽ cộng điểm và chấm giải một lần. Giải cao nhất là một bộ Lego, giải Nhì là một bộ sách thiếu nhi mới, giải Ba và Khuyến khích cũng là sách.

Số tiền mua giải thưởng được các phụ huynh tự nguyện đóng góp. “Cũng may có trò này của anh Thắng, hai đứa nhà tôi vừa có thể ngồi yên cho mẹ làm việc, lại học được thêm nhiều kỹ năng viết. Nhờ thế mấy ngày nghỉ không đến nỗi quá khó thở”, chị Huyền Nguyễn, phụ huynh có con tham gia nhóm sách chia sẻ.

Chị Hà Thu (chủ fapage Kid creative) những ngày qua đã liên tục đăng những video chia sẻ cách tự làm đồ chơi cho trẻ em. Lượt tương tác trên trang cá nhân của chị tăng hơn 200 lần so với ngày bình thường. Những video hướng dẫn làm khủng long bằng bìa carton, làm thú nhồi bông bằng quần áo cũ, làm cột bóng rổ bằng vỏ chai nhựa... đều đạt mức trăm nghìn like.

Một phụ huynh “được hưởng lợi” từ những video của chị Hà Thu, chị Trần Trà My cho biết. “Chúng tôi ở nhà với nhau 2 tuần, làm được hai con khủng long và bốn con thú nhồi bông. Con trai tôi bảo: chỉ thích ở nhà với mẹ thế này. Bây giờ ngày nào cháu cũng loay hoay tìm cách tự làm đồ chơi. Tự nhiên tôi thấy không còn phiền vì kỳ nghỉ bất chợt này nữa”!

Những trò chơi tập thể trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên facebook bởi trong thời gian này nhiều gia đình phải gom trẻ vào một chỗ để bố mẹ thay nhau đi làm.

MỚI - NÓNG