Các nước chủ yếu phạt nguội vi phạm giao thông

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Đề xuất phạt nguội các phương tiện vi phạm luật giao thông chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã được áp dụng từ lâu tại nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế tiêu cực và nâng cao hiệu quả.

Rất nhiều loại camera giám sát giao thông được lắp bên đường, phía trên làn đường hoặc trên các xe giám sát để phát hiện hành vi vi phạm luật giao thông như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi vào làn đường xe buýt mà không được phép, hoặc để giám sát xe cộ trong khu vực thu phí.

Để áp dụng biện pháp phạt “nguội”, cơ quan quản lý phương tiện của nhiều nước duy trì một cơ sở dữ liệu về phương tiện, trong đó có cả những lỗi vi phạm giao thông mà chủ phương tiện từng phạm phải. Tuy nhiên để làm được như vậy, cơ quan chức năng phải kiểm soát được chủ phương tiện thực sự, đặc biệt đối với các xe đã thay đổi chủ. Khi bạn vi phạm, camera sẽ ghi lại biển số xe cùng thông số cụ thể về thời điểm, lỗi vi phạm và số tiền phải nộp phạt về địa chỉ theo đăng ký xe.

Tại bang New South Wales, Úc, viết vé phạt ngay tại chỗ được thực hiện bởi cảnh sát giao thông hoặc một số cơ quan quản lý đường bộ khác. Thông báo vi phạm được viết thành 3 bản. Bản gốc được gửi cho Văn phòng thu hồi nợ của bang, bản thứ hai được giữ trong sổ ghi vi phạm và bản thứ ba được giao ngay tại hiện trường vi phạm hoặc gửi về địa chỉ của chủ phương tiện theo đường bưu điện.

Nếu chủ phương tiện không thừa nhận phạm lỗi, họ cũng có thể gửi thư lên văn phòng thu hồi nợ rồi sau đó tòa án sẽ nghe họ trình bày và người viết vé phạt phải đưa ra bằng chứng.

Sau khi nhận được giấy thông báo phạm lỗi, chủ phương tiện có 21 ngày để khiếu nại, nếu không họ sẽ nhận được giấy nhắc nhở. Nếu không nộp tiền đúng ngày, chủ phương tiện sẽ nhận được lệnh thực thi và sẽ phải đóng thêm tiền. Nếu tiếp tục trì hoãn, chủ phương tiện có thể bị “treo” bằng lái hoặc phương tiện, tịch thu tài sản, buộc phải lao động công ích, phạt thêm tiền…

Tại Mỹ, nếu bị ghi vé phạt, chủ phương tiện có thể gửi khiếu nại lên tòa án địa phương đã đưa ra cáo buộc đối với họ và yêu cầu này sẽ được xem xét trong khung thời gian nhất định (từ 10-15 ngày). Chủ phương tiện cũng có thể đề nghị xem xét thẩm phán giảm mức phạt ghi trên vé.

Nhìn chung ở các nước phát triển, trừ các trường hợp bắt buộc giải quyết tai nạn hoặc các sự cố nghiêm trọng, cảnh sát không xuất hiện nhiều trên các tuyến giao thông.

Thay vào đó, việc phát hiện các lỗi vi phạm từ người dân chủ yếu do hệ thống camera giám sát giao thông thực hiện, nên hạn chế được những tiêu cực khi cảnh sát giao thông tiếp xúc trực tiếp với người vi phạm như ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG