Các quy định, chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2019

Nhiều đối tượng được tăng lương, trợ cấp từ 1/7.
Nhiều đối tượng được tăng lương, trợ cấp từ 1/7.
TPO - Tăng lương, trợ cấp bảo hiểm; thêm ưu đãi với người trong lực lượng công an; quy định mới về gửi tiền tiết kiệm… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Tăng lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm

Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7. Từ đây, các đối tượng này được hưởng mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, cao hơn hiện tại 100.000 đồng/tháng.

Cũng từ 1/7, Nghị định 44/2019/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng chính thức có hiệu lực. Nghị định 44 quy định tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với các đối tượng như cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng…

Các quy định, chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2019 ảnh 1

Tuổi nghỉ hưu của công an là 60 với nam, 55 với nữ. Các Giáo sư trong lực lượng công an được kéo dài tối đa tuổi nghỉ hưu thêm 10 năm.

Thêm nhiều ưu đãi với người công tác trong lực lượng công an

Từ 25/7, Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật công an nhân dân chính thức có hiệu lực. Theo nghị định, tuổi nghỉ hưu của công an nhân dân là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Tuy nhiên, sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong lực lượng công an. Cụ thể, giáo sư được không quá 10 năm; không quá 07 năm với phó giáo sư và không quá 05 năm đối với tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.

Ngoài ra, nghị định 49 còn quy định thêm nhiều ưu đãi với chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân đang tại ngũ; xuất ngũ hoặc chuyển ngành…

Công dân được quyền đề xuất bản án, quyết định thành án lệ

Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hiệu lực từ 15/7 quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo nghị quyết, án lệ phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Ngoài tòa án, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ hoặc bãi bỏ một án lệ đã có.

Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Các thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.

Giá vé máy bay hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng

Từ 1/7, Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT được áp dụng sẽ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo thông tư, giá vé hạng phổ thông cơ bản cho một chiều đi như sau:

- Đường bay có khoảng cách dưới 500km có giá tối đa 1,7 triệu đồng.

- Đường bay có khoảng cách từ 500km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 1.000 km - 1.280 km có giá tối đa 3,2 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên có giá tối đa 3,75 triệu đồng.

Các quy định, chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2019 ảnh 2

Người dùng điện đánh bắt cá sẽ bị phạt tiền, tịch thu công cụ.

Phạt tiền đến 50 triệu đồng cho hành vi dùng điện đánh cá

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ được áp dụng theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/7. Quy định mới nghiêm cấm việc dùng điện đánh bắt thủy sản. Nếu vi phạm, người dùng điện đánh cá (không dùng tàu) bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng; người dùng điện trên tàu cá để khai thác thủy sản bị phạt từ 15 – 40 triệu đồng; người dùng lưới điện để đánh bắt nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm có thể chịu phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản…

Lãi suất rút tiền tiết kiệm trước hạn phải phù hợp quy định

Từ 5/7, Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực và cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Với người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Thông tư 48 cũng quy định, việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền. Tuy nhiên, lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.