Các tư lệnh ngành đăng đàn, Thủ tướng cũng trả lời chất vấn

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, đa số cử tri quan tâm đến việc đổi mới thủ tục hành chính và cải cách trong hoạt động tư pháp. ẢNH: Như Ý.
ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, đa số cử tri quan tâm đến việc đổi mới thủ tục hành chính và cải cách trong hoạt động tư pháp. ẢNH: Như Ý.
TP - Từ hôm nay (16/11), Quốc hội sẽ dành 3 ngày liên tiếp để chất vấn các tư lệnh ngành. Việc lựa chọn các thủ lĩnh đăng đàn lần này được đánh giá là liên quan nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng.

Theo kế hoạch chương trình, người sẽ đăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Phiên chất vấn này còn có các bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời, như: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước… Chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ đăng đàn.

Kế đến, phiên chất vấn về giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội sẽ do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn. Chánh án TAND Tối cao sẽ trả lời, làm rõ việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng sẽ phát biểu, làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, những nội dung nóng cần ưu tiên sẽ phụ thuộc vào chất vấn của ĐBQH. Cá nhân ông đã chuẩn bị tất cả những nội dung đáng chú ý của ngành. “Dù chưa biết ĐBQH hỏi những vấn đề gì, nhưng tất cả câu chuyện liên quan trách nhiệm của ngành đều phải chuẩn bị chu đáo. Tất cả yêu cầu của ĐB chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng”, ông Bình nói.

ĐBQH muốn chất vấn nội dung gì?

Theo ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), kỳ chất vấn này, đa số cử tri quan tâm đến việc đổi mới thủ tục hành chính và cải cách trong hoạt động tư pháp, hướng tới sự phát triển chung của đất nước, vì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, thông qua các giải pháp nào để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua. “Các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để bảo đảm người dân thực hiện quyền đó. Lần này, cử tri mong muốn Bộ trưởng TT&TT sẽ có câu trả lời rõ ràng”, ông Chiến nói.

Với Thống đốc NHNN Việt Nam, trong xu hướng phát triển kinh tế của đất nước mạnh mẽ như hiện nay, NHNN ngoài vấn đề chính sách ổn định kinh tế, ổn định tiền tệ phải có những giải pháp để góp phần vào thực hiện nghị quyết của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ngân hàng phải có lộ trình như thế nào để cho người dân làm quen với việc chi tiêu thông qua tài khoản của ngân hàng, hạn chế việc chi tiêu tiền.

Còn ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì đánh giá, lần chất vấn này đã chọn những “thủ lĩnh” đăng đàn thuộc những vấn đề rất thời sự mà cử tri cả nước rất quan tâm. Với mong muốn chất vấn Thống đốc NHNN và các bộ, ngành có liên quan, bà Tuyết quan tâm đến việc, làm thế nào để tìm ra nguyên nhân và hướng đi phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng, Thống đốc Ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc làm tốt các quy định thuộc thẩm quyền và các bộ, ngành khác cũng phải rà soát lại quy định trong việc phân cấp các doanh nghiệp, đối tượng nào được vay nên phân cấp cho địa phương, chứ không điều hết về bộ, gây cản trở cho các doanh nghiệp”, bà Tuyết nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.