Cách ly người gây bạo lực: Khả thi hay không?

Cách ly người gây bạo lực: Khả thi hay không?
TP - Hôm qua (29/9),  Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến về  Luật Phòng chống bạo lực gia đình do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội soạn thảo.
Cách ly người gây bạo lực: Khả thi hay không? ảnh 1
Bạo lực gia đình: Vết thương khó lành. Ảnh minh hoạ

Điểm đáng chú ý ở dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình là coi trọng giải pháp ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Vì thế, dự thảo quy định trong trường hợp khẩn cấp, căn cứ vào yêu cầu của nạn nhân, có thể áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa nạn nhân với người gây bạo lực trong một thời hạn nhất định (Chủ tịch UBND cấp xã có quyền cấm tiếp xúc tối đa trong 3 ngày, Chủ tịch UBND cấp huyện và toà án có quyền cấm tiếp xúc tối đa 120 ngày).

Thế nhưng nhiều ý kiến chưa đồng tình với quy định như vậy bởi tính khả thi của nó.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: “Nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình sẽ ở đâu để bảo đảm người gây bạo lực không thể tiếp cận, lại gần hoặc liên hệ với nạn nhân?”.

3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực gia đình: do say rượu và mượn rượu (60%-70%); do kinh tế khó khăn; do vợ hoặc chồng ngoại tình.

Ông Thuận cho rằng, tuyệt đại đa số những người cặp vợ chồng sống chung trong một nhà, vì thế nếu một người gây bạo lực thì cũng không thể buộc người đó rời khỏi nhà. Vì thế, quy định này rất khó thực hiện.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, việc cách ly có thể làm tình hình xấu thêm.  “Hơn nữa, nếu buộc công dân phải ra khỏi nhà của mình là trái với Bộ luật Dân sự”- Ông Yểu nói.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật  cũng cho rằng,việc cách ly có thể gây xáo trộn lớn trong gia đình, và hậu quả của việc này là không thể lường hết được, nhất là việc cách ly kéo dài tới 120 ngày.  Vì thế, ông Nguyễn Văn Yểu yêu cầu cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này.

Sở dĩ Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trình Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án luật này là do tình hình bạo lực trong gia đình thời gian qua có những biểu hiện đáng lo ngại.

Qua khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố và báo cáo của cơ quan, tổ chức hữu quan thì tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta đã đến lúc báo động. Hàng năm, có 2,3% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% các cặp vợ chồng có hành vi ép buộc quan hệ tình dục.

Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Còn theo số liệu của Bộ Công an, khoảng 2-3 ngày lại có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình.

Trong năm 2005, có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó có 39 vụ chồng giết vợ, 8 vụ vợ giết chồng. “Bạo lực gia đình làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai”- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhận định.

Dự án luật này sẽ được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI thảo luận. Cùng ngày, Ủy ban TVQH còn cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi và dự án Luật công chứng.

MỚI - NÓNG