Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử

Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Ảnh: TTXVN
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Ảnh: TTXVN
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2018) và Quốc khánh 2/9, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết: "Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Khang, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất” giành chính quyền trong cả nước, dựng lên một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Đầu tháng 8/1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng. Sau khi tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức và chấm dứt chiến sự ở châu Âu, các nước trong phe Đồng minh (đứng đầu là Mỹ và Liên Xô) dồn sức tiêu diệt phát xít Nhật ở châu Á, buộc chính phủ Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện (13/8/1945). Tin tức đầu hàng nhanh chóng lan đi khắp mặt trận. Quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn hoang mang cực độ.

Không khí cách mạng sục sôi trong cả nước. Theo sự thỏa thuận của các nước Đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa dân quốc) sẽ tiến vào miền Bắc Việt Nam, quân đội Anh-Pháp sẽ vào miền Nam Việt Nam (lấy vĩ tuyến 16 phân chia) làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất đều muốn thực hiện ý định tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chính quyền tay sai phục vụ mưu đồ cai trị, nô dịch của chúng.

Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, từ ngày 13-15/8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương.

Tiếp ngay sau đó, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16/8/1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Đại hội nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Chiều 16/8/1945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Từ ngày 14 đến ngày 18/8, nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm vững tinh thần các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình thực tiễn đã kịp thời, chủ động, sáng tạo, linh hoạt nổi dậy khởi nghĩa. Bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất là Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam (ngày 18/8/1945).

Tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 8/1945, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Ngày 19/8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (phủ khâm sai, tòa thị chính, trại lính bảo an, sở cảnh sát...). Trước khí thế trào dâng như “bão táp” của quần chúng, quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội có tác dụng cổ vũ to lớn phong trào cả nước. Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương.

Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28/8/1945), cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.

Hơn 70 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước hết, thắng lợi ấy đã đập tan hai tầng xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và phát xít Nhật gần 5 năm, rửa được cái nhục và nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỉ; đồng thời lật nhào chế độ phong kiến tồn tại cả ngàn năm, đưa Việt Nam từ vị trí là một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà.

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới: Kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là bước nhảy vọt trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam.

Đối với thế giới, Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự đấu tranh giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Thắng lợi ấy cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đặc biệt là nhân dân châu Á và châu Phi.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là kết quả hợp thành từ rất nhiều nhân tố: Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cấp đảng bộ địa phương trong thời khắc “xoay bản lề” của lịch sử. Đó còn là sức mạnh từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ ngàn đời, sẵn sàng kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Mặt khác, cách mạng diễn ra thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu cũng nhờ có hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi quân Đồng minh đánh tan phát xít Đức - Nhật, mở ra thời cơ cho nhân dân Việt Nam khởi nghĩa. Nhưng nhân tố bao trùm quyết định nhất chính là sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chiến lược, sách lược cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, khi thời cơ đến kiên quyết, kịp thời phát lệnh tổng khởi nghĩa thành công.

Cách mạng tháng Tám 1945 để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Đó là bài học về khơi dậy và phát huy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, trên cơ sở đó xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu cấp bách của cách mạng là giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài học về củng cố căn cứ địa, xây dựng lực lượng cách mạng (bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cho tổng khởi nghĩa.

Bài học về nắm chắc mọi diễn biến tình hình, trên cơ sở đó nhạy bén phát hiện thời cơ, kịp thời chớp thời cơ phát động tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Bài học về không ngừng chăm lo bồi dưỡng, giáo dục phát huy cao độ tính sáng tạo, tính chủ động, tự lực, tự cường của quảng đại quần chúng và của cán bộ, đảng viên. Những bài học đó đã được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng về sau.

Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng tháng Tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng: Kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Theo TTXVN
MỚI - NÓNG