Cải cách để BHXH trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội

Chính sách BHXH sẽ có nhiều thay đổi hướng tới mục tiêu bao phủ và bền vững.
Chính sách BHXH sẽ có nhiều thay đổi hướng tới mục tiêu bao phủ và bền vững.
TP - Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất thông qua Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Nghị quyết hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Đạt nhiều mục tiêu quan trọng

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cho rằng, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, chính sách BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, hệ thống luật pháp, chính sách về BHXH được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện, ngày càng đồng bộ, phù hợp hơn với thực tế đất nước và thông lệ quốc tế. Chính sách BHXH từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống; khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm; cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động.

Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc “đóng - hưởng” và “chia sẻ” giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ, quy mô tham gia BHXH ngày càng mở rộng; số người hưởng chế độ BHXH không ngừng tăng.

Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, về cơ bản sát với thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, đã phát huy được vai trò và tính hiệu quả. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH từng bước được nâng cao. Công tác giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động có nhiều tiến bộ, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng…

Tuy nhiên, theo Nghị quyết, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí, trong đó có vấn đề về tuổi nghỉ hưu còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn nặng về nguyên tắc “đóng - hưởng” mà chưa chú ý thoả đáng đến nguyên tắc “chia sẻ”. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH còn nhiều hạn chế. Tính tuân thủ pháp luật chưa cao; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của BHXH chưa đầy đủ và toàn diện…

Cải cách mạnh mẽ, tăng tuổi nghỉ hưu

Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH xác định, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, góp phần quan trọng vào thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc “đóng - hưởng”, “công bằng”, “bình đẳng”, “chia sẻ” và “”bền vững”.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và thực hiện chính sách BHXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân và các chủ thể tham gia BHXH. Coi cải cách chính sách BHXH là nhiệm vụ quan trọng; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác. Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân trên cơ sở xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng (không chỉ BHXH bắt buộc, tự nguyện, mà gồm cả BHXH bổ sung…). Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, “đóng - hưởng”, “chia sẻ”. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và khả năng. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thất nghiệp; tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và việc làm; người lao động thất nghiệp dài hạn tìm việc làm mới.

Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, Nghị quyết xác định, cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay.Việc sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng BHXH một lần; tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề cụ thể để tăng tính bền vững của chính sách BHXH, thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với quá trình già hoá dân số, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và sự xuất hiện của nhiều hình thức quan hệ lao động mới dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng diện bao phủ, với mức hưởng phù hợp thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. Điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững…

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hết tháng 4/2018, cả nước có 13,75 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,6 triệu người bảo hiểm thất nghiệp; 80,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Lũy kế 4 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 3,3 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH.

MỚI - NÓNG