Cải cách Hải quan, tiết kiệm hàng triệu đô la Mỹ cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan
Doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Văn Cẩn, trong những năm qua, TCHQ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, theo hướng đề cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp (DN) và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt nhiều kết quả quan trọng.  

Trước hết, ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan. “Số lượng thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực hải quan đã giảm từ 239 thủ tục (trước khi có Luật Hải quan 2014) xuống còn 181 thủ tục hiện nay. Tổng cục cũng đã nghiên cứu đề xuất cắt giảm 16/31 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan, bãi bỏ 5 TTHC, đơn giản hóa 9 TTHC, dự kiến tiết kiệm chi phí đầu vào cho DN khoảng 15 tỷ đồng/năm”, ông Cẩn phấn khởi.

Thứ hai, TCHQ tiếp tục cải cách hiện đại hóa, áp dụng các chuẩn mực quản lý hiện đại.

Một thành tựu quan trọng khác không thể không nhắc đến, theo ông Cẩn là toàn ngành đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN phục vụ người dân và DN. Tính đến ngày 22/3/2019, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối (bao gồm cả Bộ Tài chính); 173 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 2 triệu bộ và xấp xỉ 30 nghìn DN tham gia.

“Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu đô la Mỹ, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu đô la Mỹ đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu đô la Mỹ đối với hàng xuất khẩu”, ông Cẩn cho biết thêm.

Liên quan đến việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), theo ông Cẩn, đến nay 13 bộ, ngành đã phối hợp cùng tổng cục sửa đổi, bổ sung được 82/87 văn bản QPPL về KTCN; cắt giảm 5.279 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN; bãi bỏ những quy định không phù hợp. Tính đến 31/12/2018, số lượng tờ khai NK thuộc diện quản lý và KTCN so với tổng số lô hàng NK làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1% (cuối năm 2015 là 30 - 35%).

Công tác tuyên truyền pháp luật hải quan, công tác cải cách hành chính hải quan và phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN cũng được TCHQ đặc biệt chú trọng. “Đánh giá của DN là khá tích cực khi có 79% đánh giá sự hỗ trợ của hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời, 84% cho biết sự hỗ trợ của hải quan phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả”, ông Cẩn cho hay.

Đặc biệt, các kết quả khảo sát liên quan tới cán bộ công chức Hải quan đã có sự cải thiện rất tích cực. DN đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan ở tất cả các thủ tục và kỹ năng giải quyết công việc cũng được đánh giá cao so với năm 2015.

Điều này có được cũng nhờ công tác cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được ngành Hải quan triển khai quyết liệt.

“Có thể khẳng định hoạt động cải cách hành chính của TCHQ thời gian qua đã và đang hướng đến mục tiêu đề cao tinh thần phục vụ DN và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động XNK nói riêng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn kết luận.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017, thời gian thông quan hàng nhập của Hải quan chiếm 11%, hàng xuất chiếm 4%, đứng trong khối 5 quốc gia ASEAN về phí tổn thời gian phải bỏ ra cho hoạt động XNK. Hàng năm, thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đánh giá cao nỗ lực cải cách TTHC của ngành Hải quan.

MỚI - NÓNG