Đề xuất người vi phạm nộp phạt cho CSGT:

Cải cách nhưng không để CSGT cầm tiền

Ngoài mất thời gian, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện quá rườm rà. Ảnh: Trọng Đảng
Ngoài mất thời gian, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện quá rườm rà. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Cho ý kiến về việc CSGT được đề xuất thu tiền của người vi phạm, đại diện các Hiệp hội vận tải cho rằng, họ đồng ý cải cách thủ tục xử phạt nhưng không chấp nhận việc cảnh sát cầm tiền.

Dự thảo cao hơn Luật

Chiều 10/2, trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được áp dụng theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ. Theo đó, CSGT làm nhiệm vụ trên đường được phép ký văn bản xử phạt vi phạm với mức 250.000 đồng; Đội trưởng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo dự thảo lần 1 của thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Bộ Công an đã đề xuất cho CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường được ký biên bản xử phạt và thu của người vi phạm đến 500.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là mức quy định cao hơn Nghị định 171/2013 của Chính phủ. Theo ông, mọi quy định, đề xuất cần tuân thủ luật và không được vượt luật.

Cũng theo ông Thanh, trong khi các nước phát triển trên thế giới liên tục có các hình thức điều hành và xử lý vi phạm giao thông bằng công nghệ để CSGT không phải tiếp xúc với tiền thì ở nước ta lại đang khuyến khích, thậm chí tạo điều kiện để CSGT được tiếp xúc với tiền. “Trước đây CSGT từng có quy định không được mang quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ, liệu đề xuất trên có mâu thuẫn với các quy định trước đó và nó có làm trong sạch được đội ngũ thực thi công vụ”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, ông ủng hộ việc cải cách xử phạt vi phạm giao thông nhưng không ủng hộ CSGT xử phạt lại tiếp xúc với tiền. Theo ông, chỉ với lỗi không chấp hành biển báo, dừng đỗ sai quy định hoặc chạy quá tốc độ vài kilômét… người điều khiển ô tô, xe máy sẽ bị phạt mức trên dưới 500.000 đồng. Theo quy định hiện nay, họ phải ký vào biên bản vi phạm và được hẹn 1 tuần đến giải quyết, với những người ở tỉnh xa đến Hà Nội thì đây là “cực hình”.

Xử phạt giao thông quá rườm rà

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, cho rằng, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện nay khiến người dân phải đi lại nhiều lần.

Theo ông, do đảm nhiệm các chốt trực ở cửa ngõ phía tây Thủ đô (quận Thanh Xuân, Hà Đông) nên hằng ngày khu vực này có rất nhiều phương tiện các tỉnh qua lại. Nếu lưu thông mà vi phạm lái xe phải xuống ký vào biên bản vi phạm và được hẹn tối đa 7 ngày, sau 7 ngày lái xe đến trụ sở cảnh sát lấy quyết định xử phạt rồi ra kho bạc nộp tiền, sau đó trở lại trụ sở cảnh sát lấy giấy tờ hoặc phương tiện ra về. Với lái xe các tỉnh thì việc đi lại, chờ đợi này là khá nhiều. Nhưng đây là quy định nên Đội CSGT số 7 không thể làm khác.

Chiều qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ Công an thừa nhận, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện nay là rất rườm rà, đề xuất dự thảo lần 1 thông tư quy định thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trong đó có nội dung người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT là một trong các bước cải cách hành chính trong lĩnh vực trên. Cảnh sát có thực hiện việc này hay không vẫn phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định trong thời gian tới.

Các hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính… thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

(Trích Dự thảo Thông tư Quy định thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP)

MỚI - NÓNG