Cải cách thủ tục hành chính: Có hiện tượng trên điện tử, dưới thủ công

TP - Trong bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, năm 2017, Bộ Tài chính chỉ xếp thứ 12/19, nhiều đại biểu cho rằng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của bộ này đang tồn tại rất nhiều bất cập. Thậm chí, ở một số địa phương, nhiều cán bộ còn có biểu hiện muốn quay lại phương thức thủ công bằng văn bản giấy tờ.

Trong bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, năm 2017,  Bộ Tài chính chỉ xếp thứ 12/19, nhiều đại biểu cho rằng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của bộ này đang tồn tại rất nhiều bất cập. Thậm chí, ở một số địa phương, nhiều cán bộ còn có biểu hiện muốn quay lại phương thức thủ công bằng văn bản giấy tờ.

Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và công bố chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính diễn ra vào ngày 12/9, nhiều đại diện các bộ Tài chính, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông, Văn phòng Chính phủ….đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ này trong việc cải cách hành chính khi xếp thứ 3/19 trong các bộ, cơ quan ngang bộ.

Báo cáo kết quả CCHC năm 2017 và 8 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, ông Trần Quân - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành 20 Quyết định công bố 258 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC; đề xuất đơn giản hóa đối với 90 TTHC liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính...

Tuy nhiên, theo các đại biểu, vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính lại ở mức rất thấp. Theo xếp hạng của ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, năm 2017, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính chỉ xếp thứ 12/19, hiện đại hóa hành chính xếp thứ 13/19.

Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, nguyên nhân dẫn đến chỉ số xếp hạng cải cách TTHC thấp là đang còn có hiện tượng “trên điện tử, dưới văn bản”. Trong khi Chính phủ và lãnh đạo cấp bộ ngành quyết liệt để đơn giản hóa, điện tử hóa TTHC ở các cấp thực thi diễn ra rất chậm.

“Một số cán bộ còn có biểu hiện không muốn thực thi chính phủ điện tử mà muốn quay lại phương thức thủ công bằng văn bản giấy tờ. Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.Việc thay đổi tư duy quản lý cũng diễn ra chưa được như mong muốn”, ông Phương nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho rằng, đây là vướng mắc lớn nhất mà ngành Thuế đang gặp phải. Ông Trí lấy ví dụ, trong việc quản lý đất đai, cơ quan của Bộ Tài nguyên & Môi trường sử dụng các phần mềm khác nhau, có địa phương còn tới cả chục phần mềm. Do đó, việc chia sẻ thông tin để theo dõi, quản lý các đơn vị đóng thuế gặp rất nhiều khó khăn.  Theo ông Trí, trong quá trình triển khai có rất nhiều thông tin cơ quan thuế và người nộp thuế có thể thực hiện bằng cơ chế điện tử. Nhưng việc, các cơ quan chưa chia sẻ được thông tin, dẫn tới hàng nghìn, hàng vạn thông báo phải in ra nhiều văn bản.  

MỚI - NÓNG