Cải cách thủ tục hành chính góp phần xây dựng bộ máy trong sạch

Cải cách thủ tục hành chính góp phần xây dựng bộ máy trong sạch
Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần tích cực xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp.

19-2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn CCTTHC và chính thức ra mắt Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Sau ba năm triển khai (2007- 2010), quá trình đơn giản hóa TTHC thông qua Đề án 30 (Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý hành chính giai đoạn 2007 – 2010) đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Đánh giá về Đề án 30 của Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng “Rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình CCHC có quy mô như Đề án 30. Chương trình CCHC của Việt Nam có thể được coi là một mô hình mẫu cho các quốc gia khác có mức thu nhập bình quân đầu người tương tự tham khảo”.

Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30 thông qua việc ban hành 25 nghị quyết đơn giản hóa gần 5.000 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành làm cơ sở để làm cơ sở thực thi phương án đơn giản hóa các TTHC này.

Sau khi các phương án đơn giản hóa này được thực thi trên thực tế, dự kiến sẽ cắt giảm trên 37% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cục Kiểm soát TTHC bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP. Cơ quan này giữ vai trò trung tâm kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi cả nước theo 4 nhóm tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả.

Ông Ngô Hải Phan, nguyên Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC. Giao nhiệm vụ cho Cục Kiểm soát TTHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước hết Cục cần làm tốt việc theo dõi, đôn đốc, thực thi đề án, đặc biệt là đưa các nghị quyết của Chính phủ về CCTTHC vào cuộc sống.

Chinhphu.vn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG