Cải cách thủ tục hành chính: Nhà nước nên “nhả” những thứ không cần “ôm”

PGS.TS Phạm Bích San: “Có nhiều việc khó nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”. Ảnh: LD.
PGS.TS Phạm Bích San: “Có nhiều việc khó nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”. Ảnh: LD.
TP - PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển, nhận định bộ máy hành chính của chúng ta hiện còn rất nhiều vấn đề, tuy cải cách nhưng thủ tục càng ngày càng nhiều hơn, dẫn đến tình trạng rối hơn.

Lại ồ ạt muốn vào nhà nước ?

Ngày 24/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Diễn đàn khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân”.

Theo TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, trong cải cách thủ tục hành chính hiện còn vấn đề do thiếu trách nhiệm, bắt người dân phải chứng minh đủ các loại giấy tờ, chưa kể đến việc công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực. TS Ngô Hải Phan đề nghị cần tăng cường dân chủ, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách.

TS Phan cho rằng, nếu chỉ làm thủ công, nặng về giấy tờ sẽ gây chậm trễ trong lề lối, phương thức làm việc, không kiểm soát được chi phí người dân và doanh nghiệp bỏ ra, không kiểm soát được hành vi, thái độ của cán bộ công chức. “Thông qua cơ chế một cửa phải tăng cường sự quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Nếu chưa làm tốt được việc này thì tiếng kêu của người dân sẽ vẫn còn”, ông Phan nói.

PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển, nhận định bộ máy hành chính của chúng ta hiện còn rất nhiều vấn đề, tuy cải cách nhưng thủ tục càng ngày càng nhiều hơn, dẫn đến tình trạng rối hơn. “Cái gì vượt ra ngoài quy chuẩn là rối ren, tùy tiện. Ngoài giải quyết bằng thủ tục, thì phong bì và tiền cũng giải quyết được rất nhiều việc. Có nhiều việc tưởng khó nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”, ông San nêu thực tế.

TS Phạm Bích San cho rằng, hiện nay số người đăng ký vào bộ máy nhà nước không những không giảm mà còn tăng rất nhiều. Theo ông San, cách đây khoảng 15 năm, một số giám đốc sở ở TPHCM bỏ nhà nước chuyển ra tư nhân làm, bây giờ nhiều người quay lại với nhà nước.

“Sức ép của thị trường lên bộ máy hành chính không còn nữa. Trước đây nhiều người bỏ nhà nước chuyển ra làm tư nhân, bây giờ nhiều người quay lại với nhà nước. Chính vì thế mới có tình trạng như ở một đơn vị cấp sở tại Hà Nội có 100 suất vào nhưng có đến 2.000 người chen nhau”, ông San dẫn chứng và đề nghị cần gia tăng sự giám sát của xã hội với bộ máy hành chính, đặc biệt cần đề cao vai trò của hệ thống facebook và mạng xã hội.

Với thực tế cải cách thủ tục hành chính hiện nay, ông San cho rằng, chỉ nhà nước hài lòng, còn thực tế người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu trời”. Do vậy phải thay đổi căn bản nền hành chính mới tiến nhanh tiến mạnh được.

Khâu đột phá nhưng chưa biết bao giờ “phá” nổi

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, cải cách sẽ động chạm tới toàn bộ mối quan hệ, nhưng cần thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vấn đề này đã đề cập rất nhiều năm nay, vẫn khẩu hiệu “cải cách hành chính là khâu đột phá”, nhưng không biết đến bao giờ mới “phá” nổi?

Ông Phúc cho rằng, tâm lý bao biện, làm thay, sợ cơ sở không làm được vẫn còn nặng nề, thậm chí có tình trạng làm đẹp báo cáo. Nhà nước vẫn còn nợ dân, nợ doanh nghiệp nhiều lắm. Nếu không loại bỏ được những trì trệ, lạc hậu thì rất khó để hội nhập.

“Cải cách hành chính của chúng ta còn quá chậm. Bây giờ phải lấy thực tiễn làm trọng tâm, chứ văn bản thì nhiều lắm, mấy nghìn văn bản sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào ma trận, tự ta làm khó ta”, ông Phúc nói, đồng thời cho rằng, nhà nước chỉ cần làm đúng việc của mình, còn lại chuyển giao cho xã hội, như vậy bộ máy sẽ giảm cồng kềnh.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính càng đơn giản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chính vì thế, điều đầu tiên là cơ quan nhà nước phải giảm bớt cái gì không cần thiết phải “ôm”, thúc đẩy xã hội hóa, cái nào dân làm được để dân làm. Có như vậy bộ máy mới tinh gọn được, còn cái gì cũng “ôm đồm” thì rất khó.

Theo TS Ngô Hải Phan, hiện thủ tục hành chính kiểu “xin - cho” đã giảm và chuyển theo hướng phục vụ người dân, nhưng vẫn còn phiền hà, khó khăn trong cải cách hành chính. Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn, nên đây mới chỉ là thành công bước đầu, còn nhiều việc phải làm mới có thể đáp ứng nguyện vọng của người dân. “Công cuộc cải cách còn rất khó khăn, đụng chạm, chông gai, nhưng nếu quyết tâm làm thì không khó”, TS. Phan nhìn nhận.

“Thông qua cơ chế một cửa phải tăng cường sự quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Nếu chưa làm tốt được việc này thì tiếng kêu của người dân sẽ vẫn còn”.

 TS. Ngô Hải Phan

MỚI - NÓNG