Cải cách thủ tục hành chính: Vấn đề là xén thế nào

Cải cách thủ tục hành chính: Vấn đề là xén thế nào
TP - Theo tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC), 5.700 TTHC, hơn 9.000 văn bản và 100.000 biểu mẫu thống kê đã được công bố trên mạng dữ liệu quốc gia về TTHC.

Có lẽ số TTHC và các văn bản liên quan đang được áp dụng ở bốn cấp chính quyền có thể cao hơn con số được công bố nêu trên. Bước tiếp theo là công việc của các máy xén, xén các TTHC không phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đặt chỉ tiêu cắt tối thiểu 30% TTHC.

30% của các con số trên là 1.710 TTHC, 2.700 văn bản và 30.000 biểu mẫu. Để thực hiện được mục tiêu cắt tối thiểu 30% TTHC, từ nay đến 31-12-2010 (thời hạn thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007, cũng thường được gọi là Đề án 30), phải rà soát và cắt ít nhất 1.710 TTHC và rất nhiều văn bản và biểu mẫu liên quan (có thể ít hay nhiều hơn các số 2.700 văn bản và 30.000 biểu mẫu).

Cho đến nay, tổ công tác mới hoàn tất việc rà soát 256 TTHC ưu tiên của 18 bộ, ngành và sáu địa phương (chiếm 4,5% số TTHC được công bố).

Như thế công việc cần phải hoàn tất trong gần 10 tháng tới là khổng lồ, và tôi nghĩ các bộ, các địa phương sẽ không làm xong nếu cứ bám vào con số 30%.

Nhưng liệu có cần chạy theo con số 30% trong năm nay? Phải xén như thế nào? Đấy là những câu hỏi quan trọng bởi vì sẽ có rất nhiều máy xén ở các bộ và các địa phương phải xén, phải cắt sản phẩm của chính mình, và nếu không có phương pháp có căn cứ và quy trình nghiêm ngặt thì công việc cắt xén rất khó có kết quả thực sự hay chỉ được tiến hành một cách hình thức để đạt mục tiêu 30%.

Cải cách nói chung và cải cách TTHC nói riêng là việc phải làm liên tục. Cho nên, việc rà soát, đơn giản hóa và cắt các TTHC phải là việc làm liên tục chứ không nên chấm dứt vào cuối năm nay.

Mặt khác, cải cách một cách bài bản, có phương pháp vững chắc là vô cùng quan trọng. Liên quan đến cải cách TTHC, có thể phân loại các TTHC theo các tiêu chí khác nhau, thí dụ theo tần suất mà nhân dân, doanh nghiệp sử dụng.

Nếu đơn giản hóa hay cắt được các thủ tục có tần suất càng cao thì khoản tiết kiệm xã hội càng lớn. Như thế tần suất sử dụng cũng là một tiêu chuẩn để xác định TTHC ưu tiên cần đơn giản hóa hay cắt (cùng các tiêu chuẩn khác).

Và nếu xét theo các tiêu chí ưu tiên đó thì có khi cắt hay đơn giản hóa 10% thủ tục (có tần suất cao nhất và quan trọng nhất) có thể mang lại hiệu quả hơn việc cắt hay đơn giản hóa 30% hay thậm chí 40% TTHC (mà công chúng rất ít khi phải dùng hay không quan trọng).

Rất nhiều hiện tượng xã hội và tự nhiên tuân theo phân bố Pareto. Có thể nói nôm na quy tắc Pareto như sau: trong tổng số công việc (nhân viên), 20% công việc (nhân viên) mang lại 80% giá trị, còn 80% công việc (nhân viên) còn lại chỉ tạo ra 20% giá trị.

Hãy nghĩ về các công việc của mình hay về thành tích của các nhân viên trong tổ chức của mình, chúng ta có thể có cảm nhận về quy tắc Pareto. Còn nhiều lĩnh vực mà quy tắc nôm na 20/80 kể trên về cơ bản là đúng. Các TTHC cũng vậy.

Nếu trong 30% TTHC bị cắt, có tất cả 20% TTHC đó (tạo ra 80% giá trị), thì quá tuyệt vời.

Nhưng nếu 30% TTHC bị cắt lại nằm trọn trong số 80% TTHC (chỉ tạo ra 20% giá trị), thì thành tích có thể đạt được nhưng kết quả thì không.

Việc phân loại các TTHC, việc có các tiêu chí đánh giá, có phương pháp cắt hay xén, có quy định và quy trình nghiêm ngặt để cho các máy xén xén đúng các TTHC cần xén mới thực sự có ý nghĩa.

Như thế, việc chạy theo con số cụ thể 30% không phải là quan trọng nhất. Tạo thuận tiện cho dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả xã hội, mới là tiêu chuẩn hàng đầu và việc này có thể làm không quá khó nếu có phương pháp đúng.

Các vấn đề phương pháp luận như vậy là các vấn đề cần bàn cãi, tranh luận để đi đến quyết định trước tiên. Tôi chưa thấy những thảo luận như vậy. Sau đó mới tiến hành các công việc tiếp theo. Làm đúng trình tự, có cơ sở khoa học thì kết quả sẽ tốt. Làm ngược lại sẽ tốn công, tốn tiền.

Có lẽ tổ công tác có các thông tin (như tần suất sử dụng của các TTHC, các tiêu chí ưu tiên) và có phương pháp để đánh giá và để xén (tuy tôi chưa hay không thấy chúng được công bố).

Đáng tiếc Đề án 30 không nêu tường minh việc nghiên cứu (hay sử dụng tư vấn) để đưa ra các vấn đề phương pháp luận, quyết định những cách phân tích và đánh giá, công bố rộng rãi những kết quả liên quan.

Nếu có những quy trình, phương pháp và thông tin như vậy, nên công bố để nhân dân có thể góp ý chi tiết hơn. Cải cách là việc cần làm liên tục, muộn còn hơn không, nên việc công bố và thảo luận các vấn đề như vậy là rất nên làm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.