Cái Đẹp vĩnh hằng

Cái Đẹp vĩnh hằng
TP - 5 năm trước, khi Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra mắt bạn đọc đã tạo nên một cơn dư chấn trong công chúng.

>> Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 4
>> Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 3
>> Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 2
>> Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 1

Như mạch ngầm được khơi thông, những kỷ niệm, những hồi ức chiến tranh, lý tưởng và lẽ sống, tình yêu và khát vọng cứ thế cuồn cuộn chảy. Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành hiện tượng, một hiện tượng trong bối cảnh cụ thể đó khó có sự lý giải nào thực sự thỏa đáng vì sao.

Có đến cả triệu bài viết tham gia cuộc thi về hai tác phẩm này đó là những suy nghĩ, cảm nhận, tình cảm và cả hành động nữa cho những người đang sống hôm nay.

Mỗi người tự tìm trong đó những tiếng nói đồng điệu, những sự sẻ chia của riêng mình để rồi tựu trung lại cùng cộng hưởng về một hướng đó là cái đẹp, cái đẹp vĩnh hằng của tình yêu, của khát vọng, của lý tưởng, cái đẹp của tâm hồn.

Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành sách gối đầu giường của giới trẻ và thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, như một thời đạn lửa Thép đã tôi thế đấyRuồi Trâu từng là tác phẩm bất li thân của nhiều thế hệ. Một hiện tượng hiếm hoi giữa thời bình.

Hai cuốn nhật ký trên cứ thế cháy mãi với thời gian từ ngày tìm lại được. Rồi Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được Đạo diễn Đặng Nhật Minh tái hiện bằng nghệ thuật thứ 7 với tựa đề Đừng đốt. Người Mỹ đã oà khóc khi Đừng đốt trình chiếu ngay trên đất Mỹ.

Mấy tuần nay, khi một Đừng đốt bằng tranh được tìm thấy và chuyển tải trên Tiền Phong, bạn đọc lại một lần nữa cùng chung nhịp đập với những gì mà Đừng đốt bằng tranh lần này mang lại.

Vẫn là số phận ly kỳ của cuốn nhật ký bằng những bức ký họa của người chiến sỹ khi nó biền biệt hơn 40 năm qua được bảo quản và gìn giữ gần như nguyên vẹn ở bên kia bán cầu, trên đất Mỹ, trong tay của những người một thời ở chiến tuyến bên kia được bàn giao, trao tặng lại cho Bảo tàng Quân đội.

109 bức ký họa còn lại trong cuốn nhật ký bằng tranh của người chiến sỹ ấy vẫn dung dị một tâm hồn đầy ắp yêu thương và khát vọng hòa bình. Không có tình yêu trong tâm hồn đẹp ấy thì khó có thể có những bức ký họa yên bình mà phải thật tĩnh tâm mới tạo nên đường nét.

Một cổng làng, một bãi bồi bên sông, một xóm nhỏ bình yên, một giàn mướp trổ hoa, một khúc sông lặng lờ trầm mặc…Tất cả đều trong veo, thanh bình và yên ả như thể không hề có chiến tranh, không hề có cảnh bom rơi đạn nổ, không hề có cuộc chiến mất, còn ở phía trước.

Người chiến sĩ, nghệ sĩ khi tay cầm cọ, cầm bút  họ đã thăng hoa và trọn vẹn hướng về cái đẹp muôn thuở...

Không thế mà khi đọc những thông tin về cuốn Đừng đốt bằng tranh trên Tiền Phong, bạn đọc Lê Cường thốt lên: Ôi những con người được sinh ra từ máu và hoa. Trong chiến tranh tâm hồn người lính vẫn luôn là một thi sỹ. Bộ đội Cụ Hồ sáng mãi với thời gian. Ước gì tôi được ngắm trọn bộ Đừng đốt của L.Đ Tuấn… Và còn bao sự chia sẻ gan ruột khác nữa.

Cũng như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chiến lợi phẩm trong một cuộc chiến khốc liệt, số phận của nó thường đi cùng ngọn lửa. Ngọn lửa sẽ xoá đi tất cả, nhưng cái đẹp luôn toả sáng, luôn là một giá trị khiến cho những tâm hồn tưởng như đã chai mòn và trơ cứng vì cuộc chiến tàn khốc cũng phải giật mình nhìn lại để rồi cái đẹp thực hiện sứ mệnh cao cả của nó là cảm hóa, lay động và thức tỉnh tính Thiện trong con người.

Lúc đó sức mạnh của  lòng nhân hóa giải mọi hận thù và kéo con người xích lại gần nhau để cùng hướng về cái đẹp đích thực, thách thức cả không gian và thời gian.

Đừng đốt bằng nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Đừng đốt bằng những bức ký họa của Lê Đức Tuấn vẹn nguyên giá trị của Cái đẹp đó. Cũng không phải quá khó lý giải vì sao cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn lưu lạc hơn 40 năm qua, nay lại trở về vẹn nguyên dù nó nằm trong tay của những cựu binh Mỹ một thời tham chiến tại Việt Nam.

Bởi, phàm là cái đẹp thì không ai có thể đóng khung hay nhốt nó trong một đường biên giới lãnh thổ. Và phàm đã là con người thì bao giờ cũng hướng về, trân trọng và nâng niu gìn giữ Cái Đẹp. Cái đẹp của tâm hồn. Cái đẹp của tình người.

MỚI - NÓNG