Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Bài toán khó

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Bài toán khó
TP - Cải tạo chung cư cũ, xuống cấp là chủ trương lớn, tác động mạnh đến đời sống của một bộ phận dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, mặt trái của việc cải tạo là làm tăng dân số cơ học, gây áp lực lên hạ tầng giao thông - đô thị Hà Nội.

Thành phố hiện có hơn 77 khu chung cư, tập thể cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng trên dưới 40 năm. Trong đó, nhiều khu cũ nát, nguy hiểm như B6, C7 Giảng Võ, khu tập thể Văn Chương, Nguyễn Công Trứ và nhiều chung cư đơn lẻ khác cần xây dựng lại để đảm bảo an toàn cho dân.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một số dự án cải tạo chung cư cũ nguy hiểm được khởi công như nhà I1 - I2 - I3, nhà C1 Thành Công.

Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh, để từng bước hoàn thiện đô thị văn minh, hiện đại.

Chỉ đạo của Chính phủ

Tại khu tập thể Giảng Võ, sau nhiều năm chuẩn bị hiện nay các chủ đầu tư đã khởi công xây mới nhà C7, B6. Trước đó là dự án nhà B4, B14 Kim Liên.

Dự án tại 187 Tây Sơn do Cty Quản lý& Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công, dự án khu tập thể Nguyễn Công Trứ giai đoạn 1 (phá dỡ xây mới nhà A1, A2) cũng đã cơ bản hoàn thành  giải phóng mặt bằng (GPMB).

Một thực tế cho thấy, hầu hết các dự án cải tạo chung cư mà chủ đầu tư hướng đến đều nằm ở trung tâm, là những khu đất vàng như B6, C7 Giảng Võ, 187 Tây Sơn… Nhiều dự án thời gian qua triển khai với dạng nhà nguy hiểm, buộc phải di dời như C7, B6 Giảng Võ…

Ở những dự án này, để bù đắp chi phí, các chung cư được gia tăng diện tích sử dụng bằng việc nâng cao số tầng lên ít nhất 3 - 5 lần so với chung cư cũ.

“Có chung cư được cải tạo tăng diện tích lên tới 10 lần, phá vỡ quy hoạch của khu vực đồng thời làm gia tăng áp lực về dân cư, đô thị” - Bà Phạm Thị Loan, đại biểu HĐNDTP Hà Nội cảnh báo.

Từ góc độ quy hoạch, kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân nhận định, việc xây dựng lại một số chung cư cũ tại nội đô thực chất chỉ là cơi nới quy hoạch.

“Đây là kiểu xây xen, nó tạo cho đô thị Hà Nội một chiếc áo vá víu, nham nhở mà lẽ ra Hà Nội cần được chỉnh trang, tu sửa tốt hơn nhằm bảo tồn những nét kiến trúc tiêu biểu của khu phố cổ và phố cũ”- Bà Vân nói.

Làm gì để cân bằng lợi ích?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, kết quả chưa được như mong muốn.

* Theo quyết định phê duyệt dự án, chung cư C7 Giảng Võ xây mới có quy mô 17 tầng và 1 tầng hầm. Dự án A1, A2 Nguyễn Công Trứ cao 19 tầng, 3 tầng hầm. Các dự án khác hầu hết đều cao trên 10 tầng.

* Theo đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang xây dựng, chỉ những công trình xây dựng mới từ ngoài vành đai 4 trở ra là không hạn chế độ cao.

“Nhà đầu tư, người dân đôi khi chưa thực sự đi đến thống nhất trong điều tra xã hội học, lên phương án đền bù. Chính vì người dân yêu cầu cao nên các dự án thường bị chậm” - Ông Tuấn nói.

Trong các dự án bao giờ dân cũng đòi được đền bù cao, được tái định cư về nơi ở cũ với diện tích rộng hơn. Ông Nguyễn Tuấn Long, Phó Giám đốc Cty Nhà số 7 cho biết, khi điều tra nhà A1, A2, dân không những yêu cầu được tái định cư rộng hơn, mà còn yêu cầu được chọn hướng nhà, hướng ban công!

Do dân yêu cầu quá cao, chủ đầu tư phải xem xét, tính toán, phải đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích của dân, doanh nghiệp và nhà nước.

“Việc điều tra lập dự án, rồi thỏa thuận với các hộ dân hết sức khó. Với dự án Nguyễn Công Trứ, Cty đã phải đeo đuổi suốt 7 năm!” - Ông Long nói.

Các dự án khác cũng mất thời gian không ít hơn. Dự án B6 Giảng Võ tới chủ đầu tư thứ 3 mới thành công, còn dự án cải tạo tập thể Văn Chương, dù được UBND Thành phố chọn thí điểm, nhưng nay chủ đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người”.

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, trong đó có người dân và doanh nghiệp. “Người dân thường yêu cầu rất cao, như được tái định cư với hệ số trên 2, thậm chí 3 lần diện tích ở cũ. Chính vì vậy, việc thỏa thuận của chủ đầu tư với người dân thường gặp nhiều trở ngại, đôi khi không thể gặp nhau”- Một chủ đầu tư nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.