Cải tạo mạng lưới cấp nước sạch, vì sao dân phản đối?

Cải tạo mạng lưới cấp nước sạch, vì sao dân phản đối?
TP - Dự án đầu tư, cải tạo mạng lưới cấp nước sạch của Hà Nội nhằm hoàn chỉnh, nâng cao khả năng cung cấp nước sinh hoạt; giảm thất thoát, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước.
Cải tạo mạng lưới cấp nước sạch, vì sao dân phản đối? ảnh 1
Người dân trình bày bức xúc với PV

Tuy nhiên, hiện nay người dân ở một số khu vực đang phản đối mạnh.

Cách làm của ngành cấp nước – bị dân phản đối!

Những hộ dân ở tổ 1 và tổ 2, khu tập thể Xí nghiệp thảm len (quận Đống Đa) rất bất bình chuyện đường nước của các hộ dân đang dùng tốt, nay lại phải đào bới lên để thay mới!

Theo các hộ dân, họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố, nhưng khi thực hiện dự án Cty kinh doanh nước sạch (CTKDNS Hà Nội), phải tiến hành khảo sát cụ thể. “Nếu khu vực nào đường ống còn tốt thì không cần thiết phải cải tạo, đỡ tốn kém cho Nhà nước và nhân dân.

Mới đây chúng tôi đã phải tự bỏ hàng chục triệu đồng để xin được lắp đặt một đường ống nước riêng vào khu tập thể (mỗi hộ phải đóng hơn 2 triệu đồng). Và thực tế việc cung cấp nước ở khu vực này đang tốt…”- bà Nguyễn Thị Thoa ở số nhà 112 bức xúc nói.

Hàng trăm hộ dân ở ngõ 6-Ngọc Hà (quận Ba Đình) cũng phản đối việc lắp đặt đường ống mới. Chị Trang ở số nhà 32, ngõ 6 cho biết: “Theo quy định của Nhà nước, những khoản kinh phí do dân phải đóng góp cần được dân bàn bạc và thảo luận.

Ông Trần Văn Hòa - Phó GĐ Ban quản lý dự án cấp nước, Cty kinh doanh nước sạch Hà Nội:

“Nếu có sự xác nhận của Xí nghiệp quản lý nước sạch về tình trạng đường ống đang tốt, mới thay thì cũng không bắt buộc người dân ở khu vực đó phải thực hiện theo dự án là thay mới tất cả. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ chuyển nguồn thôi.

Tuy nhiên, đây là dự án cải tạo chung của thành phố, không chỉ phục vụ cho một vài nhà, hay ngõ xóm mà cho toàn bộ các hộ dân”.

Thế nhưng, việc đào lên thay đường ống nước mới ở đây, người dân lại không hề được bàn bạc gì cả! Mọi khoản thu đều do họ ấn định”. Ông Trịnh Văn Tuất, đại diện cho một số hộ dân ở tổ 2, ngõ 178 Nguyễn Lương Bằng cho rằng, chi phí lắp đặt đồng hồ do ngành nước đưa ra là quá cao và không hợp lý.

Khi mức tối thiểu là 442.000 đồng/hộ (đã có đồng hồ); 826.496 đồng/hộ (chưa có đồng hồ) và 888.139 đồng/hộ (chưa có hợp đồng). Và việc đấu nối từ đường trục vào từng hộ dù dài, ngắn khác nhau nhưng đều có cùng mức giá như nhau.

Người dân ở các khu vực thuộc quận Cầu Giấy lại phản đối khi dự án đã được hoàn thành. Theo phản ánh của những hộ dân phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy), dù mới đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn nhưng tình trạng đường ống bị rò rỉ và nứt đã xảy ra.

“So với thiết kế kỹ thuật công trình ở đây không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, việc lấp cát, đầm chặt để bảo vệ hệ thống đường ống cũng không đúng quy định. Họ chỉ hoàn trả mặt đường một cách qua loa…” - một hộ dân phàn nàn.   

Điều người dân nhiều nơi phản ứng nhất là quy định tất cả những đồng hồ nước để trong nhà dân sẽ phải chuyển hết ra ngoài để quản lý. Điều đó khiến hơn trăm hộ dân sẽ phải đào nhà, đào đường để chuyển hết đường nước và đồng hồ ra ngoài!

“Đồng hồ nước dân đã mua, vậy mà dân không được quản lý, điều này thật phi lý chỉ có ngành nước độc quyền nên mới ép dân như vậy” - một người dân ở khu vực Ngọc Hà nói.

Thực tế, ở khu dự án đã hoàn thành nhiều chiếc đồng hồ nước đã bị vỡ và bị mất cắp. Ông Nguyễn Viết Vọng, Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Yên Hoà cho biết, chỉ trong một đêm (ngày 22/5),  trong tổ đã có 5 hộ bị mất cắp đồng hồ nước.

Ngành cấp nước nói gì?

Ông Nguyễn Trần Thiều, Phó giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch quận Hai Bà Trưng cho biết: Khi bắt đầu triển khai dự án cải tạo mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn do Xí nghiệp quản lý, nhiều nơi người dân cũng thắc mắc.

Hệ thống cung cấp nước ở khu vực tập thể thảm len (có sự phản ánh của người dân-PV) vẫn tốt. Nên người dân không muốn đào bới để thay, nhưng đây là dự án của thành phố.

Theo ông Thiều, trong trường hợp người dân phản đối việc thay hệ thống đường ống nước mới thì cần phải làm đơn và có cam kết chịu trách nhiệm xung quanh việc tổn thất nước ở đây.

Cải tạo mạng lưới cấp nước sạch, vì sao dân phản đối? ảnh 2
Người dân cho rằng, việc cải tạo không cần thiết ở những nơi mà nguồn nước đang tốt như thế này

Từ đó, Xí nghiệp sẽ cho lắp đồng hồ tổng cho cả khu vực, tuy nhiên cách làm đó lại không được người dân đồng tình, vì theo người dân đã có đồng hồ thì phải quản lý theo đồng hồ.

Còn theo lý giải của ông Trần Văn Hoà, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước (Cty kinh doanh nước sạch Hà Nội), quy định bắt buộc các hộ dân phải di chuyển tất cả đồng hồ nước ra ngoài là không đúng.

“Quan điểm của Cty là chỉ chuyển những đồng hồ ở vị trí không thuận lợi, khuất lấp khó nhìn, khó kiểm tra và mất vệ sinh ra ngoài mà thôi” - ông Hoà nói. Về chi phí lắp đặt đồng hồ, ông Hoà cho biết, dự án này đã được thành phố phê duyệt, do đó mức giá đưa ra là quy định chung của thành phố.

“Chi phí lắp đặt mà người dân phải đóng là căn cứ theo hạch toán của toàn dự án. Tính mức trung bình của tất cả các hộ, hộ nhiều bù hộ ít và vật tư đấu nối của các hộ dài, ngắn đều như nhau”.

Trả lời câu hỏi việc người dân thắc mắc về chất lượng thi công của dự án, cũng như việc đường ống ở nhiều khu vực mới thay nay phải đào lên thay mới, ông Hoà cho biết: Các đơn vị được thi công dự án đều qua đấu thầu. Trong quá trình thi công đều có sự giám sát của chủ đầu tư cũng như của người dân nơi dự án thực hiện…

MỚI - NÓNG