Cải thiện năng suất và hiệu quả công việc: Cuộc cách mạng về lương

TP - Để cán bộ - công chức viên chức (CB-CCVC) nâng cao hơn nữa công suất phục vụ và hiệu quả công việc, TPHCM dự kiến sẽ dành hơn 2.342 tỷ đồng trong năm 2018 để tăng thu nhập CB-CCVC.

Ngày 2/3, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho CB-CCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

Lương cán bộ còn thua công nhân

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố, thu nhập hiện nay của CB-CCVC được thực hiện theo quy định chung của cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động, chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt tại đô thị như TPHCM. “Mức lương của CB-CCVC còn thấp hơn khá nhiều so với thu nhập trung bình của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất do mức lương cơ bản được điều chỉnh hàng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho cuộc sống. Do đó không có tác dụng khuyến khích cán bộ gắn bó với khu vực nhà nước, khó thu hút nhân tài, lao động chuyên môn kỹ thuật cao” – bà Trang nhìn nhận.

Về quan hệ tiền lương, hệ thống thang bảng lương hiện nay còn dựa vào bằng cấp, thời gian công tác, chưa theo trình độ, chất lượng công việc. Quan hệ tiền lương của lực lượng vũ trang vượt xa so với tiền lương của CB-CCVC nhà nước. Quan hệ tiền lương của CB-CCVC mang tính bình quân không so sánh mức độ hiệu quả trong công việc của họ. Cơ bản cứ theo định kỳ 2 hoặc 3 năm theo ngạch, CB-CCVC sẽ được nâng lên một bậc lương thay vì việc này phải gắn với hiệu quả, năng lực trong công việc.

Cải thiện năng suất và hiệu quả công việc: Cuộc cách mạng về lương ảnh 1 Minh họa: Khều.

Trong giai đoạn 2013-2017, năng suất lao động của người làm công ăn lương tăng gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước; năng suất phục vụ đội ngũ CB-CCVC quản lý nhà nước thành phố gấp 1,5 lần cả nước.

Chính vì vậy, TPHCM quyết định trả mức thu nhập phù hợp cho CB-CCVC trên cơ sở năng suất, hiệu quả lao động trong khả năng, phạm vi cân đối nguồn cải cách tiền lương của thành phố, nhằm bảo đảm tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ làm việc. “Chi thu nhập tăng thêm cho CB-CCVC gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của khu vực hành chính công, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội” - Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố cho hay.

Băn khoăn tiêu chí, phương thức đánh giá

Theo đề án, đối tượng được áp dụng tăng thêm thu nhập là CB-CCVC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã – phường – thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thế nhưng, việc đánh giá này dựa trên tiêu chí đó, liệu có “nhìn nhau”, “dĩ hòa vi quý”…?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM đặt vấn đề, làm sao đánh giá được cán bộ mà tránh cào bằng. “Đánh giá cán bộ thì liệu rằng lãnh đạo phường, quận có được quyền quyết định, đánh giá, phân loại không hay phải họp từ các phòng ban, tổ công đoàn, chi bộ… Không chừng sau khi đánh giá, CB-CC lại tâm tư, người lao động lại thấy không công bằng. Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá như nào, giao quyền cho người đứng đầu ra sao, có khi thêm được thu nhập mà mất đoàn kết, làm cho hoạt động của đơn vị bị bị ảnh hưởng” - ông Ngân nói. Ông cũng đề xuất phải có đề án đánh giá CB-CCVC kèm theo đề án về tăng thu nhập.

Ông Châu Minh Tỷ - nguyên giám đốc Sở Nội vụ thành phố góp ý, cần phải xem xét lại cách đánh giá CB-CCVC hiện nay. Ông nêu thực trạng CB-CC giỏi, nếu được lãnh đạo trọng dụng thì một thời gian sau bị cô lập, không phát huy được nữa. Lại có những cán bộ mà thủ trưởng không dám giao nhiệm vụ, hoặc giao rất ít, nhưng cuối năm tổng kết lại thì lại hoàn thành hết các nhiệm vụ.

Đề nghị đề án cần phân tích thêm cho từng đối tượng, phải phân loại cán bộ để chi tăng thu hợp lý, tạo động lực làm việc, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM lo ngại: “Tôi e rằng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ là được tăng thu nhập thì ai cũng tốt hết vì câu chuyện “dĩ hòa di quý”.

Ông Đỗ Văn Đạo - Phó giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, nội dung đánh giá CB-CCVC còn nhiều bất cập, mục tiêu chủ yếu của đề án là để tăng thêm thu nhập cho những cá nhân, thành phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc đánh giá CB-CCVC là trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, căn cứ theo hướng dẫn của trung ương, của thành phố do Sở Nội vụ tham mưu.

Đánh giá CB-CC hàng năm cuối cùng vẫn là bỏ phiếu bình chọn. Nghịch lý ở chỗ bỏ phiếu là người nào không có nghiên cứu, đề xuất, cải tiến cho cơ quan thì được bỏ phiếu cao, còn ai có đóng góp nhiều thì số phiếu bình chọn lại… thấp. ngay cả thủ trưởng cũng ngại bỏ phiếu. đây là một trong những bất cập trong việc bình bầu hiện nay. sở sẽ nghiên cứu và kiến nghị với trung ương để việc đánh giá ngày càng sát hơn với chức năng, nhiệm vụ. “không còn cách nào khác, thủ trưởng phải là người công tâm, công bằng trong việc đánh giá cán bộ. về lâu dài, phải gắn với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB-CC. Như vậy mới là căn cơ” - ông Đạo cho hay.

Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ do thành phố quản lý được áp dụng với đối tượng là CB-CCVC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã - phường - thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình: năm 2018 tối đa là 0,6 lần; năm 2019 tối đa là 1,2 lần; và năm 2020 tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ).

Nguồn kinh phí thực hiện đề án là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành. Trường hợp nguồn kinh phí đơn vị nào nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì ngân sách thành phố sẽ xem xét bổ sung phần chênh lệch thiếu từ nguồn cải cách tiền lương cấp thành phố cho các quận, huyện để đảm bảo đủ nguồn thực hiện. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1/4/2018 đến ngày 31/12/2020. Dự kiến kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho CB-CCVC thực tế thuộc đối tượng thụ hưởng trong năm 2018 là 2.340 tỷ đồng.

TPHCM hiện có khoảng 6.440 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Đối với đặc thù của thành phố, khối lượng công việc của lực lượng này rất nhiều; tính chất công việc cũng giống như đội ngũ CB-CC cấp xã. Do đó, nếu cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn không được hưởng chế độ chi tăng thu nhập theo cơ chế đặc thù của đề án này sẽ tác động đến tâm lý, gây suy nghĩ, tâm tư và có thể tác động không tích cực đến hiệu quả của công việc trong đội ngũ này.

Vì vậy, căn cứ tính đặc thù, UBND TPHCM đề nghị đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được hưởng cơ chế chi thu nhập tăng thêm của đề án.

Cải thiện năng suất và hiệu quả công việc: Cuộc cách mạng về lương ảnh 2

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ thành phố: Năng suất cao thì thu nhập cao, đó mới công bằng

Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua đến nay đã hơn 3 tháng và được thí điểm trong 5 năm. Đến nay thành phố đã có nhiều đề án bắt đầu khởi động để thực hiện Nghị quyết 54. Đây là một đề án đem lại niềm vui cho CB-CCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Đặc điểm làm việc của CB-CCVC thành phố là năng suất cao. Năng suất cao thì thu nhập phải cao, đó mới công bằng.

Nghị quyết Quốc hội cho phép thành phố tăng ngay 1,8 lần thu nhập cho CB-CCVC nhưng điều băn khoăn là nguồn có hay không? Do đó mà Sở Tài chính thành phố mới tính toán, đưa ra lộ trình tăng từng năm nhưng tôi vẫn ước và kiến nghị tăng càng sớm càng tốt. Thực tế hiện nay mức lương đã không phù hợp rồi, TPHCM đã đấu tranh để được Quốc hội thông qua về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù thì tại sao không triển khai nhanh, triển khai càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện cho phép có thể áp dụng ngay từ năm 2019 mức cao nhất là 1,8 lần. Phải tranh thủ cơ hội này đem lại niềm tin và động lực làm việc cho CB-CCVC.

Cải thiện năng suất và hiệu quả công việc: Cuộc cách mạng về lương ảnh 3

TS Huỳnh Thế Du - giảng viên ĐH Fulbright: TPHCM đang bị cơ chế “khuyến khích ngược”

Đề án cần phải thiết chế làm sao để CB-CCVC có động cơ làm việc. Ví dụ ở Singapore, nếu công chức làm tốt sẽ được hưởng 2 mục tiêu cơ bản, đó là thu nhập và thăng tiến. Còn ở Việt Nam, tôi thấy rằng chúng ta bị cơ chế “khuyến khích ngược”, đó là người làm tốt thường bị phạt. Tôi thấy, khi xét bình bầu, câu hỏi đầu tiên người ta thường đặt ra là người này có sai gì không, chứ không hỏi họ đã làm được những việc gì.

Tôi chưa thấy động cơ cho cán bộ làm việc được đề cập trong đề án. Hơn nữa, đối tượng áp dụng có phải là toàn bộ CB-CCVC đang hưởng lương của thành phố hay không, hay chỉ những đối tượng trong nút thắt, ở những điểm quan trọng thường tiếp xúc với người dân. Đây là vấn đề cần xem xét, nếu đối tượng là những người làm việc quan trọng, liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì thực tế, thu nhập của họ cao hơn rất nhiều so với mức tăng thêm 1,8 lần rồi.

Mức tăng thêm 1,8 lần thu nhập này có chăng chỉ là cho một số người ở bộ phận khác không có lợi ích liên quan. Vậy liệu có đạt được mục tiêu cơ chế đặc thù nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao vị trí của thành phố không? Tóm lại, có vẻ đề án này như một công ước tăng thu nhập cho một số đối tượng không có thu nhập khác trong “nháy nháy”, nhiều hơn là tạo động lực cho CB-CCVC thành phố làm việc, cạnh tranh với các Cty trong khu vực. 

MỚI - NÓNG