Cấm bán rượu bia sau 22h: Ảnh hưởng doanh thu các khu du lịch?

Du khách ngồi uống bia hơi tại phố cổ Hà Nội
Du khách ngồi uống bia hơi tại phố cổ Hà Nội
TPO - Về nội dung đang được xem xét đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc Hội thảo luận quy định: “Cấm bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau”, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này không khả thi khi đi vào thực tiễn. Trong khi nhiều chủ nhà hàng quán ăn thì lo lắng phá sản.

Mới đây, hàng chục hộ kinh doanh nhà hàng/quán ăn tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị cho các cơ quan chức năng về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc Hội thảo luận vào ngày 23/5/2019. Trong đó, các hộ kinh doanh đề cập đến nội dung đang được xem xét đưa vào Luật quy định: “Cấm bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau”.

Với quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Việt Nam bởi phần lớn khách nước ngoài đều tập trung ăn uống về khuya. Đây không chỉ là việc kiếm lợi nhuận từ việc ăn uống mà còn là cơ hội để tận dụng quảng bá ẩm thực Việt đến với du khách.

Theo các hộ kinh doanh, cấm sẽ sinh ra kinh doanh trái phép, ngoài kiểm soát, gây hệ lụy về sức khỏe cho người sử dụng, thất thu thuế cho nhà nước. Trong khi bản thân phố Bùi Viện được Tp.HCM cho phép kinh doanh ăn uống, lưu trú mở cửa 24/24.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đang có 65 cơ sơ kinh doanh đăng ký thí điểm hoạt động kinh doanh đến 2h sáng vào những ngày cuối tuần. Một chủ quán trên phố Mã Mây cho biết, thực tế nói là đến 2h sáng nhưng quán thường đến 3, 4h sáng mới hết khách. Chủ yếu là khách nước ngoài bởi họ đến Việt Nam thường bị lệch múi giờ nên ăn uống cũng muộn hơn. Hơn nữa, việc mua bán rượu bia nơi khác rồi mang đến quán, hoặc gọi bia rượu trước 22h cũng khó có thể kiểm chứng được. “Nếu thực sự 22h đã cấm bán bia rượu uống tại quán thì tôi nghĩ khó khả thi”, chủ quán cho hay.

Không thể tư duy “không quản được thì cấm”

Nói về đề xuất cấm bán rượu bia dùng tại chỗ đại diện một phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhận định: “Thực tế hiện nay việc quản lý bia rượu về đêm rất khó. Tuy nhiên, không thể vì thế mà đưa lệnh cấm các quán bán bia rượu cho khách”. Vị này cho rằng, rượu bia là sản phẩm kinh doanh hợp pháp, còn hệ lụy do lạm dụng rượu bia là do hành vi người uống quyết định. Những hành vi này đều đã có những chế tài xử lý.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến của đa số người dân. Vị này chia sẻ kinh nghiệm trước đây khi có đề xuất cấm karaoke, tuy nhiên cơ quan quản lý đã hoàn thành tốt vai trò, chức năng của mình nên hoạt động karaoke vẫn đi vào hoạt động quy củ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết thêm, đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các ngành kinh doanh, dịch vụ, khách sạn, ẩm thực… gián tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tại các địa phương, đặc biệt là ngành du lịch. “Chúng ta cần bỏ tư duy không quản được thì cấm”, đại diện Hiệp hội nói.

MỚI - NÓNG