Cam kết thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng

Cam kết thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng
Ngày 24/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) họp báo về việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (được Chủ tịch nước phê chuẩn ngày 30/6/2009 và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 18/9).

Để đảm bảo thực thi công ước, TTCP cho biết có 11 nội dung cần sửa đổi, bổ sung pháp luật thực định (nội luật hóa). Đây là các nội dung mà phía VN đã cơ bản đáp ứng (đối với quy định bắt buộc của công ước) và chưa đáp ứng (đối với quy định tùy nghi, khuyến nghị).

Theo ông Trần Đức Lượng, điều 20 của công ước có quy định về việc khi các quan chức giàu lên nhanh chóng nhưng không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình thì coi như bất minh, phải sung công.

Tuy nhiên, theo pháp luật VN, nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản đó thuộc về cơ quan nhà nước nên chế định này không phù hợp, vì thế không thể bị ràng buộc.

Các nội dung cần nội luật hóa gồm: trách nhiệm pháp nhân; quy định về hối lộ trong khu vực đầu tư; quy định về dẫn độ; vấn đề “giám sát” chặt chẽ tài khoản của những người đã hoặc đang giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân tín của họ nhằm phát hiện các giao dịch đáng ngờ; quy định về hợp tác quốc tế vì mục đích thu hồi tài sản do tham nhũng; quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân; quy định về làm giàu bất hợp pháp; quy định về điều tra chung; các biện pháp về phòng chống rửa tiền; quy định về đảm bảo cơ chế điều tra thích hợp trong khi vẫn đảm bảo các quy định về bí mật ngân hàng; quy định về thành lập cơ quan tình báo tài chính.

Ông Hoàng Thái Dương, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng TTCP, cho biết tham gia công ước nhưng Việt Nam tuyên bố bảo lưu khoản 2, điều 66 về vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Việc bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam nằm trong khuôn khổ quy định của công ước và không trái với pháp luật Việt Nam, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng đồng bộ và hiệu quả.

Mặt khác, việc bảo lưu và nội dung tuyên bố của Việt Nam cũng dựa trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác. Hiện nay có 29/36 quốc gia bảo lưu điều khoản này.

Cùng với việc bảo lưu vấn đề trên, VN ra tuyên bố về việc thực thi công ước gồm các nội dung: không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định tại điều 20 và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định tại điều 26 Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các quy định của công ước trên sẽ theo nguyên tắc hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại; không coi công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.

Về kế hoạch thực thi công ước, ông Trần Đức Lượng - phó tổng TTCP - cho biết hiện TTCP đang xây dựng. Đồng thời Chính phủ cũng xây dựng và ban hành chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện công ước nằm trong chiến lược này. Trong chiến lược có 70 hoạt động và có chương trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật nằm trong ba giai đoạn.

Các hoạt động thuộc trách nhiệm bộ, ngành nào đều đã được Chính phủ phân công chi tiết. Ngoài ra, trong chương trình toàn khóa của Quốc hội XII, Chính phủ sẽ trình bổ sung Luật chống rửa tiền và Luật về bí mật Nhà nước. Đây là nội dung được làm sớm cho kế hoạch thực hiện công ước.

Theo M. Quang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.