Cấm xuất cảnh bốn bác sĩ Trung Quốc liên quan bệnh nhân tử vong

Cấm xuất cảnh bốn bác sĩ Trung Quốc liên quan bệnh nhân tử vong
TPO-Cơ quan Cảnh sát điều tra–Công an TP Hà Nội đề nghị ra lệnh cấm xuất cảnh với bốn người Trung Quốc tham gia chữa trị, khiến bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tử vong tại phòng khám đa khoa Maria (Hà Nội).

> Đình chỉ hoạt động phòng khám có bệnh nhân tử vong

Phòng khám đa khoa Maria. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Phòng khám đa khoa Maria. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ngày 16-7, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) làm việc với Sở Y tế Hà Nội về cái chết của Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1977, trú tại số nhà 65, tổ 7, đường Quang Trung, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân này chết bất thường sau khi vào khám tại phòng khám đa khoa Maria (65-67 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) hôm 14-7.

Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết: Bốn bác sĩ Trung Quốc liên quan trực tiếp tới ca điều trị này đã được triệu tập lên trụ sở cảnh sát nhưng họ không có mặt. Khám xét tại nơi ở của những người này cũng không thấy. Do vậy, cơ quan điều tra đã đề nghị ngành chức năng ra lệnh cấm xuất cảnh đối với bốn người này.

Chiều 15-7, Cơ quan Công an và pháp y quân đội mổ để xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Căn cứ vào kết luận pháp y tử thi, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, kết luận nguyên nhân vụ việc và trách nhiệm của những người có liên quan.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định, khoảng 17h ngày 14-7, chị Nguyễn Thị Thu Phong đến khám bệnh tại phòng khám đa khoa Maria.

Bác sĩ ZHOU JI ANJAO (tức Chu, nam, SN 1961, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú tại 59 Trung Liệt, Đống Đa) khám và xác định chị Phong bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần điều trị đốt lộ tuyến cổ tử cung. Sau đó, bác sĩ này ghi hồ sơ khám bệnh, kê đơn thuốc và chuyển chị Phong lên tầng 6 vào khoảng 19h25.

Tại đây, Y tá Bùi Thị Thắm (SN 1989, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) trực tiếp truyền đường 0,5%, theo sự chỉ định của bác sĩ DENG QIN ZHI (Đặng, nữ, SN 1977, tạm trú cùng địa chỉ với ZHOU JI ANJAO ). Bác sĩ ZHANG LING GONG (tức Trang, nam, SN 1985, tạm trú tại phố Thịnh Quang, Đống Đa) thực hiện gây mê. Bác sĩ DENG QIN ZHI tiến hành đốt lộ tuyến cổ tử cung cho chị Phong. Sau đó, chị Phong nằm nghỉ và bị ngạt mũi.

Bác sĩ ZHANG LING GONG cho chị Phong thở oxy và chỉ định Thắm tiêm hai ống Dexame thasame. Khoảng 30 phút sau, chị Phong tỉnh táo. Y tá Thắm tháo máy thở oxy và đưa chị Phong xuống tầng 5 tiếp tục truyền kháng sinh.

Tại đây, ba y tá gồm: Nguyễn Thị Thuý (SN 1989, trú tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Phương Thảo (SN 1990, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hồ Thị Lương (SN 1990, trú tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trông coi chị Phong.

Đến khoảng 21h cùng ngày, chị Phong gọi điện cho người nhà đến đón vì thấy chóng mặt. Người thân của chị Phong nhận được điện thoại liền tức tốc đến Phòng khám đa khoa Maria. Tuy nhiên, khi người nhà chị Phong đến phòng khám thì phải ngồi chờ gần một tiếng, không được vào gặp. Sau đó, có một xe cấp cứu 115 xuất hiện. Cùng lúc đó, gia đình chị Phong nhận được thông báo bệnh nhân tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, cả ba người Trung Quốc trên cùng một người Trung Quốc nữa là DONG CHANG RUI (SN 1973, nam, tạm trú tại phường Thịnh Quang, Đống Đa), là quản lý phòng khám chuyên khoa phụ khoa – kế hoạch hoá gia đình, đã bỏ trốn khỏi nơi tạm trú.

Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Phòng PC45-Công an TP Hà Nội làm thủ tục cấm xuất cảnh và đang tổ chức xác minh, truy tìm các đối tượng này để làm rõ.

Công an quận Đống Đa vẫn đang chờ trưng cầu kết quả pháp y của Pháp y Quân đội. Dự kiến, trong ngày hôm nay, chậm nhất đến ngày mai (17-7), cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo điều 242 Bộ Luật Hình sự (Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác).

Xử lý nghiêm

Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng phối hợp với Cơ quan công an làm việc với bác sĩ Đỗ Y Na, Trưởng Phòng khám đa khoa Maria. Tuy nhiên, bà Na cho biết, từ ngày 3-2-2011, bà đã có đơn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Maria. Do vậy, bà hoàn toàn không biết thông tin về các hoạt động của phòng khám trong suốt thời gian qua.

Bà Na còn nói rằng, hoàn toàn không có thông tin về nhân sự của phòng khám, kể cả những bác sĩ người Trung Quốc đang hành nghề tại phòng khám này.

Bà Na cũng khẳng định, chỉ biết trường hợp tử vong của bệnh nhân Phong qua thông tin trên báo chí (?).

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, Sở Y tế chỉ cấp phép cho sáu bác sỹ là người Việt Nam được phép hành nghề tại Phòng khám đa khoa Maria và hoàn toàn không cấp phép cho bất cứ bác sỹ người Trung Quốc nào khám, chữa bệnh, ngoài hai giúp việc người Trung Quốc. Như vậy, các bác sĩ người Trung Quốc đã làm việc "chui" tại Phòng khám đa khoa Maria.

Nghi giả mạo chữ ký

Theo cơ quan công an, lực lượng chức năng thu được bốn chai dịch mà nhân viên phòng khám đã truyền cho chị Phong, niêm phong, đưa về để tiến hành làm rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhất, bố chồng chị Phong, hôm lên xem tình hình của chị Phong tại phòng khám, một bác sĩ từ trong phòng đi ra hỏi người nhà bệnh nhân. Khi ông Nhất trả lời là người nhà thì vị bác sĩ này ghi luôn tên ông Nhất vào tờ biên bản mà ông ta đã cầm sẵn trên tay. Ông Nhất giật mình đọc kỹ, thấy đó là tờ biên bản xác nhận tử vong có ghi tên con dâu ông.

“Tôi như người mất hồn, vội vàng chạy vào phòng bệnh, thấy thi thể con dâu đã lạnh buốt, cứng đờ, chắc chắn đã tử vong trước đó khá lâu…” – ông Nhất nói.

Chiều 15-7, ông Nhất mới được xem lại tờ biên bản xác nhận tử vong lập ở phòng khám đa khoa Maria lúc xảy ra sự việc. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy chữ ký của mình trong biên bản. Theo ông, trong suốt quá trình lập biên bản tử vong, ông không hề ký tên. “Chắc chắn có người giả mạo chữ ký của tôi...” – ông Nhất khẳng định.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh Tra Sở Y Tế Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có tới mấy nghìn cơ sở khám chữa bệnh. Khi có đơn vị vi phạm, sẽ kiểm tra theo ngành dọc, trước tiên là y tế xã phường, sau quận huyện, rồi mới tới Sở.

Về nguyên tắc, tất cả các phòng khám đều phải có giấy phép mới được hoạt động. Trong hồ sơ xin phép phải có đầy đủ thông tin phòng khám, đội ngũ bác sĩ, nhân viên… Những điều không có trong hồ sơ là trái phép.

Hiện tại trên địa bàn Hà Nội có 13 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài được cấp phép, với 17 bác sĩ. Các cơ sở này được kiểm tra liên tục, đảm bảo mỗi cơ sở được kiểm tra ít nhất hai lần một năm. Các cơ sở đã có sai phạm, bị xử lý sẽ được quan tâm nhiều hơn, kiểm tra thường xuyên hơn.

Thời gian gần đây, ngành Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức làm việc với các phòng khám có sử dụng bác sĩ nước ngoài, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động.

“Tất cả các phòng khám vi phạm đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, sai tới đâu xử lý tới đó. Còn việc rút giấy phép hoạt động hay không phải căn cứ vào sai phạm và các quy định của pháp luật, đâu phải muốn rút là rút được” – ông Cường cho biết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.