Cần bản đồ quy hoạch khai thác

Ghe khai thác cát im lìm trên sông Thu Bồn - nguyên nhân gây khốn khổ cho ngành xây dựng Đà Nẵng
Ghe khai thác cát im lìm trên sông Thu Bồn - nguyên nhân gây khốn khổ cho ngành xây dựng Đà Nẵng
TP - Nhu cầu cát xây dựng ở TP Đà Nẵng chủ yếu lấy từ nguồn Quảng Nam, vì thế khi tỉnh Quảng Nam chủ trương cấm khai thác cát trên sông Thu Bồn, Vu Gia… thì ngành xây dựng Đà Nẵng khốn đốn. Giải quyết cách nào ?

>>Miền Trung thiếu cát?

Ghe khai thác cát im lìm trên sông Thu Bồn - nguyên nhân gây khốn khổ cho ngành xây dựng Đà Nẵng
Ghe khai thác cát im lìm trên sông Thu Bồn - nguyên nhân gây khốn khổ cho ngành xây dựng Đà Nẵng . Ảnh: Nam Cường

Cấm là có lý, nhưng…

Trên thực tế, gần 1 tháng trở lại đây, giới xây dựng Đà Nẵng đã khốn khổ chấp nhận giá cát tăng đột biến, có những thời điểm tăng gấp đôi để kịp thời đưa công trình xây dựng đúng tiến độ. Tuy nhiên, dù có như vậy thì việc mua được cát để xây dựng chứ chưa nói đến cát chất lượng cao là rất khó khăn (Tiền Phong ngày 28-7 đã phản ánh).

Ông Phan Văn Kiện - Trưởng phòng quản lý VLXD (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho hay, khi Quảng Nam cấm khai thác cát trên sông Thu Bồn thì Đà Nẵng khan hiếm là điều tất yếu.

"Họ cấm khai thác cát trước mùa mưa là việc làm hoàn toàn có lý, để đề phòng sạt lở sông suối, bản làng. Tuy nhiên, cấm như thế nào, cấm ở đâu và chỗ nào cho những đơn vị có năng lực khai thác thì cũng phải tính đến. Thời gian tới, nếu tình hình căng, khan hiếm cát kéo dài, theo tôi lãnh đạo chính quyền hai địa phương cần ngồi bàn bạc cụ thể với nhau" - ông Kiện nói.

Cũng theo ông Kiện, khảo sát của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho thấy không có chuyện chủ đầu nậu cát găm hàng, bởi giá cát chỉ còn chiều hướng tăng nhẹ.

Cần một quy hoạch

Ông Doãn Văn Thanh - Trưởng phòng quản lý khoáng sản - Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Quảng Nam thừa nhận việc cấm khai thác cát trên sông Thu Bồn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu cát xây dựng ở Đà Nẵng. Vì thế, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh và các đơn vị quy hoạch lại bản đồ khai thác cát, vừa nhằm tận thu khoáng sản, vừa bảo vệ môi trường đồng thời giảm nhiệt cơn khủng hoảng cát hiện nay.

"Cát xây dựng ở Đà Nẵng chủ yếu mua từ các DN khai thác ở sông Thu Bồn, khu vực Điện Bàn và Duy Xuyên. Chúng tôi đã cho phép một số đơn vị khai thác ở xã Điện Trung và vài điểm ở Duy Xuyên. Tuy nhiên mức độ cũng vừa phải bởi hậu quả của việc hút cát là rất nghiêm trọng, gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy, môi trường nước. Vì thế, không thể cấp phép tràn lan" - ông Thanh nói.

Được biết, Sở TNMT Quảng Nam vừa đề nghị UBND huyện Điện Bàn quy hoạch lại khai thác cát trên sông Thu Bồn, qua đó, cho phép Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An khai thác đến hết tháng 12-2010. Theo UBND huyện Điện Bàn thì Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An mới chỉ có văn bản tạm dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ cát nói trên, đây chưa phải là đề nghị trả lại giấy phép khai thác.

Ông Nguyễn Viễn - Phó GĐ Sở TNMT Quảng Nam cho biết Sở đã yêu cầu huyện Điện Bàn chỉ đạo Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An có trách nhiệm quản lý khu vực mỏ đã được cấp phép, không để các tổ chức, cá nhân khác lợi dụng việc tạm ngừng khai thác của Cty để khai thác cát trái phép. Nếu Cty không có nhu cầu tiếp tục khai thác thì lập thủ tục trả lại giấy phép khai thác theo quy định pháp luật, bàn giao khu vực mỏ lại cho UBND huyện Điện Bàn quản lý.

"UBND huyện Điện Bàn cần quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt và điều kiện thực tế của từng khu vực (khai thác sẽ không gây sạt lở bờ sông, không ô nhiễm môi trường) và lựa chọn đối tác có đủ năng lực, điều kiện để đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép thăm dò, khai thác" - ông Viễn nói.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.