Cần bảo hiểm y nghiệp cho bác sĩ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Sự cố y khoa là ngoài mong muốn của các bác sĩ và nhân viên y tế. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố, vẫn phải phân xử đúng sai. Nhưng để công tâm trong việc phân định này, Việt Nam chưa thực sự có một hệ thống hoàn thiện. Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), đại biểu Quốc hội khóa 14, xung quanh vấn đề này.

Khi sự cố y khoa xảy ra, theo anh, nên xử trí thế nào?

Chúng ta không thể đứng về một phía khi xảy ra sự cố y khoa. Cũng giống như các sự cố khác xảy ra trên cuộc đời rất cần một bên thứ 3 công tâm phân xử. Theo tôi bên thứ 3 ở đây không thể chỉ là Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sở y tế, ban giám đốc bệnh viện mà phải là các hội chuyên khoa. Chỉ khi nào mà giấy phép hành nghề có được sự phê chuẩn của Hội chuyên ngành thì vai trò của phán quyết chuyên môn mới được khẳng định. Các bác sĩ chỉ còn một con đường lựa chọn là tuân thủ các hướng dẫn (guide line), lá bùa hộ mệnh của ngành y thế giới nói chung và ngành y Việt Nam nói riêng. Một bên thứ 3 nữa vô cùng quan trọng mà đã được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới nhưng mới chỉ nhen nhóm ở Việt Nam, đấy là hệ thống bảo hiểm y nghiệp (BHYN).

 một bác sĩ đã từng làm việc tại nhiều nước trên thế giới, anh nhận thấy sự khác biệt nào giữa các nước và Việt Nam trong việc nhìn nhận và xử lý các rủi ro trong quá trình hành nghề y cũng như vấn đề anh vừa nói đến là BHYN?

Mỗi lần tôi đi làm nước ngoài đều có mục mua bảo hiểm, không phải bảo hiểm sức khoẻ cho mình mà cho những bệnh nhân mình chữa bệnh. Các hệ thống Anh, Mỹ, Úc đều có những hành lang pháp lý cho BHYN phát triển, mặc dù có những thăng trầm, sai sót, thay đổi thường xuyên của các hệ thống, tuy nhiên đến nay các nước phát triển đã có một hệ thống BHYN tương đối hoàn chỉnh. Chúng ta không thể  copy toàn bộ hệ thống đó về Việt Nam nhưng hoàn toàn có thể coi đây là cơ sở để học hỏi áp dụng thí điểm trên một bộ phận đang trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (phẫu thuật viên thần kinh, tim mạch,...).

“Mỗi lần tôi đi làm nước ngoài đều có mục mua bảo hiểm, không phải bảo hiểm sức khỏe cho mình mà cho những bệnh nhân mình chữa bệnh”. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội)

Vì ở Việt Nam chúng ta chưa có BHYN đúng nghĩa nên hiện nay việc bảo vệ cho người thiệt hại (nạn nhân) chỉ là đền bù chiếu lệ, hoặc do sự quyên góp của nhân viên y tế ở cơ sở khám chữa bệnh đền bù thiệt hại cơ bản. Một số công ty bảo hiểm đã bắt đầu liên hệ với các bệnh viện tư nhân để triển khai bảo hiểm cho các bác sĩ nhưng phương pháp thực hiện vẫn còn nhiều bất cập nên chưa thu được hiệu quả cũng như đồng thuận xã hội.

Cần bảo hiểm y nghiệp cho bác sĩ ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Tầm quan trọng của BHYN là gì, thưa bác sĩ?

Mục đích quan trọng nhất của BHYN là phải đền bù hợp lý cho người bị thiệt, đồng thời bảo vệ được nhân viên y tế (giảm thiểu chấn thương tâm thần, danh dự, vẫn giữ được nghề nghiệp, nhưng sẽ học hỏi để tránh sai sót) cũng như tạo thành một tiền đề để các đồng nghiệp tránh mắc cùng sai sót đó về sau. BHYN cũng là một ngành bảo hiểm do đó cũng phải vận hành như một tổ chức kinh doanh. Họ có quy định pháp lý, vốn pháp định và liên đới với các luật sư, liên kết với hệ thống y tế và các hội đoàn độc lập mà cụ thể ở đây là các hội chuyên ngành như các tham vấn tối quan trọng và khách quan trong các sự cố y khoa. Mỗi thành viên (ở đây là nhân viên y tế) phải trả lệ phí theo chuẩn mức nào đo.

Anh có thể đưa ra một ví dụ về BHYN ở nước ngoài khi họ xử lý các rủi ro y khoa để thấy tính ưu việt và cần thiết của BHYN?

Tôi lấy ví dụ mà tôi tham khảo được từ bạn tôi là bác sĩ Phan Đình Hiệp, một bác sĩ gia đình đang hành nghề tại Australia. Ở đó, nếu thu nhập của bác sĩ dưới 400.000 đô la Australia, thì phí đóng BHYN chừng 6.000 đô la Australia. Khi xảy ra một sự cố y khoa, thường người bị nạn sẽ tùy họ nhận định (có thể đúng, sai) mà đòi bồi thường. Lúc đó, nhân viên y tế sẽ liên hệ và báo cho BHYN. Bên BHYN sẽ thông qua luật sư, chuyên viên của họ trao đổi với bác sĩ về sự việc, rồi sẽ đứng ra điều đình với 2 bên. Như vậy, người thiệt hại sẽ được đền bù tốt hơn (thông qua tổ chức tài chính này), nhân viên y tế thì không phải bỏ tiền túi ra đền bù. Đặc biệt, trong quá trình điều tra hay kiện tụng, nhân viên y tế vẫn có thể đi làm chứ không phải bị đình chỉ công tác, không phải bị dư luận bêu riếu vì nếu một bác sĩ giỏi bị đình chỉ mổ thì phần thiệt thòi không chỉ là bác sĩ, bệnh viện, mà cả các bệnh nhân đang phải chờ đợi phẫu thuật...

Nhiều người nghĩ lúc này các bác sĩ có sai sót y khoa sẽ vô can, không thiệt hại gì, nhưng không  phải vậy. Ngoài việc thiệt hại về mặt uy tín, cắn rứt lương tâm (nếu thực sự mắc sai sót y khoa có thể tránh được), rút ra bài học kinh nghiệm để đời (nếu mắc các sai sót y khoa không thể tránh được), họ còn phải đóng phí BHYN cao hơn trước (mức độ tùy thuộc vào chi phí đền bù của công ty BHYN) và thậm chí nếu sai sót là nghiêm trọng họ phải chấp nhận sự phán xét của tòa án dân sự. Rất nhiều các bác sĩ ở nước ngoài đã không thể hành nghề vì không một công ty BHYN nào đồng ý bán bảo hiểm cho vị bác sĩ gặp quá nhiều sự cố y khoa này.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.