Cán bộ cấp chiến lược phải nói đi đôi với làm

Tại Hội nghị lần thứ 6, Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: CTV.
Tại Hội nghị lần thứ 6, Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: CTV.
TP - Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 tới đây phải đề ra được các giải pháp, tiêu chí rõ ràng ngăn chặn triệt để tình trạng cán bộ có vi phạm nhưng vẫn “lọt lưới, leo cao, chui sâu” vào bộ máy.

Trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm diễn ra phức tạp, một số cán bộ có vi phạm nhưng vẫn “lọt lưới, leo cao, chui sâu” vào bộ máy… , nhiều chuyên gia cho rằng, Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 tới đây phải đề ra được các giải pháp, tiêu chí rõ ràng ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

Vi phạm nhưng vẫn “leo cao, chui sâu”

Từng tham gia hội nghị góp ý vào dự thảo Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xây dựng ra các tiêu chí để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược sao cho đúng, cho trúng, không dính dáng đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. “Chọn cán bộ mà sai thì vô cùng nguy hiểm”, ông Thưởng nói.

Một cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương khác là ông Nguyễn Đình Hương khẳng định “sạch và không lợi ích nhóm là tiêu chí quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay”. Dẫn các vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian gần đây như Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ cờ bạc công nghệ cao, ông Hương đặt vấn đề “ nếu không có những cán bộ cấp cao hư hỏng bao che, tiếp tay, thao túng thì các đối tượng trên liệu có cơ hội lộng hành”.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị nhân sự, nhất là cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội 12 của Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng khóa XI làm rất kỹ, họp đi, họp lại. Trung ương nhiều lần khẳng định quan điểm: “Không để lọt vào trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”. Nhưng sau Đại hội 12 của Đảng, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy vẫn “để lọt” cán bộ có vi phạm vào bộ máy, kể cả ở cấp trung ương lẫn địa phương. “Tôi mong rằng, Trung ương 7 lần này, Đảng cần phải thẳng thắn, phân tích, rút kinh nghiệm gì từ những nhân sự “để lọt” trên. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, khắc phục triệt để, không để cán bộ xấu có cơ hội leo cao, chui sâu vào bộ máy, nhất là cán bộ thuộc diện cấp chiến lược”, ông Phúc nói.

Thực tế, để xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7, trong thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các bộ ngành có liên quan về nội dung của đề án. Tại những hội nghị trên, các đại biểu cũng thẳng thắn đánh giá rằng, vẫn còn một số cán bộ có bản lĩnh chính trị chưa thật sự vững vàng. Một số cán bộ có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thoái hóa biến chất, thiếu gương mẫu, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí tiêu cực, sa vào lợi ích nhóm. Một số cán bộ có biểu hiện thiếu gương mẫu trong việc đề bạt, bổ nhiệm con cháu, người nhà, người thân vào các vị trí lãnh đạo, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ án, vụ việc xảy ra liên quan đến cán bộ cấp cao như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh… Rồi nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, cả nhà làm quan, cả sở làm lãnh đạo như ở Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… Do đó khi xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thì tiêu chí quan trọng nhất là lựa chọn những người trong sạch, không tham nhũng, không lợi ích nhóm, không có biểu hiện vun vén cho người thân, gia đình”, ông Phúc nhấn mạnh.

Giương cao ngọn cờ chống tham nhũng

Theo ông Phúc, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân. Do đó, một trong những tiêu chí quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là phải biết giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa, chống suy thoái. “Thực tế cho thấy, ở mọi ngành, mọi cấp, nếu người đứng đầu gương mẫu, trung thực, quyết liệt đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực thì ở đó tham nhũng sẽ giảm. Những gì mà vừa qua Đảng đã làm cho thấy, vai trò của người đứng đầu trong việc giương cao ngọn cờ chống tham nhũng là vô cùng quan trọng”, ông Phúc nói.

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”,Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, đi đôi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng phải mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển.

Một nội dung khác cũng được ông Chính nhấn mạnh là khâu đánh giá cán bộ. Đề án đưa ra cách đánh giá đa chiều, 360 độ, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh giá ra, ngoài đánh giá vào; đánh giá liên tục hàng tuần hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng. Đồng thời, việc đánh giá phải công khai để tạo động lực cán bộ phấn đấu như việc lấy phiếu tín nhiệm ở QH lần đầu, có nhiều người đánh giá thấp thì phải cố gắng điều chỉnh để lần sau tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, trong thời đại công nghiệp 4.0 thì cán bộ cấp chiến lược phải là những người vừa biết hoạch định chính sách, vừa biết triển khai thực hiện, chứ không phải “chỉ nói mà không biết làm”. Bên cạnh đó cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt để xử lý, kịp thời thay thế ngay những cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. “Thực tế có những trường hợp trước khi được đưa vào diện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì rất trong sáng, không vụ lợi. Tuy nhiên, khi có chức, có quyền thì lại tha hóa, suy thoái, sa đà vào lợi ích nhóm. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt để kịp thời xử lý, chấn chỉnh”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG