Cán bộ họp quá tải, việc chính phải làm ngoài giờ

Cán bộ họp quá tải, việc chính phải làm ngoài giờ
TP - Trong 6 tháng đầu năm 2006, ở TP Cần Thơ, bình quân mỗi tuần họp theo kế hoạch có 22 cuộc tại thành phố, 1,4 cuộc trên Trung ương và ngoài thành phố.

Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND thành phố chia nhau tham dự các cuộc họp. Có những cuộc họp ở Trung ương kéo dài đến 10 ngày. Chưa kể một vị Phó Chủ tịch là đại biểu Quốc hội, thường tham dự họp Quốc hội mỗi kỳ gần một tháng.

Cũng chưa kể các chuyến đi nước ngoài hoặc gặp gỡ đột xuất không thể lên kế hoạch như: Tiếp cán bộ Trung ương và các địa phương gần xa ghé thăm, tiếp gia đình chính sách, trả lời phỏng vấn báo chí...

Có những chuyến công tác ngoài tỉnh của Phó Chủ tịch UBND thành phố rất lạ như tham dự ký kết sản xuất chất dẫn dụ ruồi đục quả tại Cty Foster tỉnh Tiền Giang ngày 10/5/2006.

Họp nhiều nên thời gian làm việc tại cơ quan còn rất ít. Trong lúc đó, số văn bản cấp trên và cấp dưới gửi đến, cũng như số văn bản phải ký để ban hành là rất lớn.

Bình quân một tuần 451 văn bản (253 văn bản tới, 198 văn bản phải ký ban hành). Hoặc tính bình quân mỗi ngày làm việc, UBND TP Cần Thơ phải tiếp nhận 35 văn bản và các vị Thường trực phải ký ban hành 28 văn bản.

Trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đang triển khai gần 60 dự án khu dân cư, thương mại, du lịch… Mỗi dự án theo quy định, phải thành lập một Ban chỉ đạo bồi hoàn giải phóng mặt bằng do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND quận làm Trưởng ban.

Chủ tịch quận Bùi Hữu Nhơn đang làm trưởng bao nhiêu ban chỉ đạo? Ông vò đầu: “Phải thống kê mới chính xác chứ không nhớ nổi”. Tuy nhiên, chắc chắn mỗi dự án ấy để hoàn tất việc bồi hoàn giải phóng mặt bằng thì Ban chỉ đạo phải họp hàng chục cuộc. Liên quan còn nhiều cuộc họp giải quyết khiếu nại của dân.

Ông Nhơn than thở: “Thời gian hành chính chúng tôi chủ yếu làm công việc của cán bộ chính trị: Họp dân để vận động thực hiện các dự án, thực hiện các phong trào từ xây dựng phường văn hóa đến bảo vệ môi trường...”.

Đưa tay chỉ chồng công văn trên bàn, ông nói tiếp: “Đang chờ ký đấy, mà cuộc họp ở phòng bên cũng đang đợi. Thường tôi phải … tranh thủ ký ngoài giờ hành chính, nhiều văn bản không có thời gian đọc”.

Thế nhưng, ông Phạm Quốc Triệu - GĐ Sở LĐ-TB-XH vẫn than thở: “Chúng tôi có quá ít thời gian dành cho công tác chuyên môn. Dành cho công việc chuyên môn chỉ khoảng 1/3 thời gian hành chính; còn lại là làm công việc của cán bộ Đảng: Họp để ra nghị quyết, học nghị quyết, họp với các đoàn thể, thăm hỏi động viên cấp dưới…”.

Làm việc chuyên ngành nhưng có nhiều quy định mới, công văn chỉ đạo của cấp trên, ông Triệu thừa nhận là không có thời gian đọc hết. Nhiều kiến nghị, đề xuất của cấp dưới cũng chậm trễ trả lời.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.