Cán bộ kèm dân thoát nghèo

Được hướng dẫn, người dân vùng cao Nam Trà My đã biết cách dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc.
Được hướng dẫn, người dân vùng cao Nam Trà My đã biết cách dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc.
TP - Ở huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam), 89 đơn vị, cơ quan, đoàn thể, trường học đang được phân công kèm cặp gần 500 hộ nghèo và cận nghèo để giúp dân thoát nghèo, bước đầu đạt hiệu quả. Năm tới, huyện này sẽ phân công cụ thể 2 - 3 công viên chức “kẹp” 1 hộ nghèo.

Cả huyện cùng vì người nghèo

Nam Trà My từ lâu được biết đến là thủ phủ của sâm Ngọc Linh, dược liệu quý tuy nhiên người dân vẫn nghèo. Hiện toàn huyện có 4.100 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 62,69% và 1.026 hộ cận nghèo. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo vẫn do tập quán làm ăn lạc hậu, manh mún, kèm theo đó là sự trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước. Lên Nam Trà My, nhất là vào các xã vùng cao như Trà Linh, Trà Nam, Trà Leng… dễ bắt gặp những cảnh dân làng, già trẻ gái trai rượu chè say sưa tối ngày. Để thay đổi tư duy của người dân vùng cao nơi đây không phải là việc dễ. Để dân biết cách làm ăn lại càng khó bội phần.

Đầu năm 2015, HĐND huyện Nam Trà My có hẳn nghị quyết về chính sách giúp dân thoát nghèo. Để cụ thể hóa, UBND huyện ban hành phương án hỗ trợ hộ nghèo cam kết thoát nghèo năm 2015. Đồng thời yêu cầu các UBND xã xây dựng hẳn phương án thoát nghèo ở từng xã, trình huyện phê duyệt, rồi mới cấp kinh phí thực hiện. Cùng với đó, huyện phân công 89 đơn vị, cơ quan, đoàn thể trường học từ huyện đến xã trên địa bàn huyện giúp các hộ dân nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, người dân Nam Trà My nghèo “nổi tiếng” bao đời nay, nên cần có một cách làm mới thay vì ngồi trông chờ vào tiền bạc, ngân sách của nhà nước. “Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Nhưng có tiền bạc chưa chắc giúp được người dân thoát nghèo. Làm không khéo lại khiến dân nghèo hơn”, ông Bửu nói. Theo đó, trước khi thực hiện việc phân công cơ quan đoàn thể chung tay giúp người nghèo, UBND huyện tiến hành phân loại hộ nghèo, phải tìm cho ra và phân định được nguyên nhân từng hộ nghèo là gì? Do thiếu đất, do già cả, ốm đau bệnh tật… hay do lười biếng.

“Đa phần nghèo do dân còn lười và chưa biết làm ăn, bởi nhận thức, suy nghĩ của người dân còn hạn chế. Đất đai, nương rẫy màu mỡ có đủ nhưng dân chưa thay đổi được tư duy và còn trông chờ ỷ lại. Muốn dân thoát nghèo thì phải thay đổi lối nghĩ cách làm. Huyện giao trách nhiệm cho từng đơn vị cụ thể giúp các hộ dân đã đăng ký thoát nghèo. Các đơn vị đoàn thể phải xem đó là nhiệm vụ quan trọng”, ông Bửu cho biết.

Sau khi rà soát, có 394 hộ nghèo và 156 cận nghèo đăng ký thoát nghèo trong năm 2015. Số hộ này được phân công các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện giúp đỡ thoát  nghèo bền vững năm 2015 trên địa bàn huyện. Việc giúp đỡ hộ dân thoát nghèo còn được huyện đưa vào 1 trong những tiêu chí bình xét thi đua cuối năm ở mỗi đơn vị, tạo thành một phong trào sâu rộng và thiết thực.

Dân dần biết cách làm ăn

Phòng LĐ-TB&XH được UBND huyện phân công giúp đỡ 6 hộ nghèo ở thôn 2 xã Trà Linh. Từ khi được phân công, hằng tháng, cán bộ của phòng thay nhau phân công về tận thôn tuyên truyền vận động và hướng dẫn người dân thay đổi thói quen và suy nghĩ trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông Hồ Văn Bông (thôn 2 Trà Linh) được cán bộ phòng kèm cặp nay đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi. Từ tay trắng, gia đình đã có mấy trăm gốc chuối, biết làm chuồng trại để nuôi bò, biết trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả. Cuộc sống gia đình ông Bông và 5 hộ nghèo ở thôn 2 đang dần khá lên.

Cán bộ kèm dân thoát nghèo ảnh 1

Chị Hồ Thị Kim Viên nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ của đoàn thể đã đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế.

Ông Đặng Duy Ba, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: “Chúng tôi phải đến tận nhà dân, ăn ở với dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.  Trước khi tham gia, anh em phải tự sưu tập sách báo, tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi để chỉ cho dân. Anh em phải giải thích kỹ, tỉ mỉ, kiên trì để cho dân hiểu và nghe theo. Cả 6 hộ dân được huyện phân công đang dần thoát nghèo, anh em ở phòng ai cũng vui mừng. Sắp tới, huyện phân công cụ thể cán bộ, công chức giúp đỡ từng hộ dân, chúng tôi sẽ xung phong đi đầu”.

Ở xã Trà Mai, có 42 hộ nghèo được phân công cho Văn phòng HĐND và UBND huyện cùng ban Dân vận, Phòng Nội vụ, TAND huyện, các trường học… giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Đến nay, 42 hộ này đã cơ bản thoát nghèo, cuộc sống khấm khá.

Gia đình chị Hồ Thị Kim Viên ở tại thôn 1, xã Trà Mai trước đây thuộc diện nghèo khó nhất xã. Ngày mới lập gia đình, cả hai vợ chồng đều không có việc làm, không có đất đai canh tác nông nghiệp. Năm 2015 với sự hỗ trợ, vận động của chính quyền và sự giúp đỡ của khối đoàn thể huyện, chị Viên đã tập trung phát triển chăn nuôi heo để cải thiện cuộc sống. Chị nuôi hơn chục con heo, xuất bán được hơn 30 triệu đồng, đã sắm sửa tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy, tủ lạnh… con cái được học hành đầy đủ.

Không những thế, hai vợ chồng còn mua được hơn 5 ha đất rừng để trồng quế, trồng keo. Mới đây khi tham gia đăng ký thoát nghèo theo cuộc vận động của huyện, chị Viên được hỗ trợ một con bò giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ có ý chí vươn lên và biết cách làm ăn hiệu quả, biết tích lũy kinh tế nên gia đình chị Viên quyết tâm đăng ký thoát nghèo bền vững vào năm 2016.

Gia đình anh Đinh Văn Thấn ở thôn 1, xã Trà Mai là hộ có rất nhiều đất nương rẫy nhưng vẫn nghèo. Năm 2015, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn nhờ mô hình trồng chuối do huyện phát động. Từ nguồn hỗ trợ của huyện, đến nay gia đình anh có 500 gốc chuối chuẩn bị vào độ thu hoạch. Ngoài ra, anh Thấn còn vay vốn trong gói khuyến khích thoát nghèo của huyện để mua 6 con bò về chăn thả và được hỗ trợ vốn mua thêm một con bò giống. Anh Thấn đã dành hơn 5 ha đất nương rẫy để quy hoạch khu chăn nuôi bò theo hướng chuồng trại.

Thời gian rảnh rỗi anh Thấn tập trung trồng keo, trồng quế, thu hái cau, lấy mật ong rừng, mua chuối về bán với mức thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Và hiện giờ gia đình anh đã thực sự thoát nghèo bền vững. “Ở làng tôi có nhiều hộ làm ra nhiều tiền nhưng tiêu pha, rượu chè suốt nên vẫn nghèo quanh năm. Được cán bộ đến tận nhà tuyên truyền vận động, chỉ cho cách biết tranh thủ nguồn vốn, phát triển kinh tế, mình và nhiều hộ đã biết cách làm ăn”, anh Thấn cho biết. 

Ông Hồ Quang Bửu cho biết, 92% hộ dân nằm trong phương án đã và đang thoát nghèo một cách bền vững, góp phần giảm 7% tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My trong năm 2015. Trong năm 2016, huyện sẽ phân công cụ thể cho khoảng 1.000 cán bộ công chức, viên chức với định mức 2 - 3 người/hộ nghèo để sát cánh, giúp đỡ, kịp thời đề xuất, kiến nghị để giúp dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Huyện đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia, giúp sức.

MỚI - NÓNG