Cán bộ không thanh lịch, văn minh sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu

Cán bộ cơ quan hành chính thủ tục một cửa ở Hà Nội đang làm thủ tục phục vụ người dân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cán bộ cơ quan hành chính thủ tục một cửa ở Hà Nội đang làm thủ tục phục vụ người dân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sáng 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TƯ của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.

Nhiều đại biểu đánh giá, 2 bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) được ban hành, triển khai quyết liệt nhưng chưa thực sự đi vào đời sống người dân. Về giải pháp triển khai cụ thể trong năm 2018, ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho rằng nên quy trách nhiệm người đứng đầu nếu không thực hiện tốt 2 bộ QTƯX.

Một trong những vấn đề được xem là then chốt trong việc đưa chương trình 04 và 2 QTƯX vào cuộc sống là công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, có nhiều hình thức mới để tạo hiệu quả, thiết thực. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhận định, để tạo nếp sống văn hóa cần phải kiên trì, không nên nóng ruột. Ông Tô Văn Động đề nghị, vấn đề tuyên truyền nội dung QTƯX, nếp sống văn minh không phải là những điều to tát mà ngay tại các quận, huyện, lãnh đạo cần phải thật sự quan tâm, sát sao chỉ đạo cán bộ cấp dưới của mình thì mới mong việc tuyên tuyền có sự lan tỏa.

Về vấn đề này, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện nay báo chí vẫn hạn chế tuyên truyền những tấm gương tốt, đôi khi sa đà nhiều vào những mặt tiêu cực của xã hội. Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, các báo cần phải đưa tin hài hoà cả mặt tốt và xấu, định hướng dư luận, hướng dẫn người dân vào những hành xử đẹp.

Về kế hoạch triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2020 phải đạt được kết quả rõ rệt, rõ nét trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố.

“Các cơ quan của thành phố phải coi đây là nhiệm vụ, phải xây dựng kế hoạch thực hiện và phải có chuyển biến rõ rệt.Vì vậy, các đề xuất, đề nghị phải hình thành được mô hình triển khai trong thời gian tới, cụ thể là tập trung mô hình từ gia đình, tổ dân phố, khu dân đến xã, phường, quận, huyện và Thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu những trường hợp ứng xử thiếu văn hoá cần phê phán ngay từ trong gia đình và từ trong khu dân cư. Bên cạnh đó là vai trò của người đứng đầu, người đứng đầu các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức không gương mẫu thì người dân cũng không thể tiếp thu. Mỗi quận, huyện, xã, phường cần tổ chức kiểm tra chéo để học điểm tốt và phát hiện ra những điểm hạn chế của từng đơn vị.

Về công tác tuyên truyền về quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ cần xác định những nơi dễ xảy ra ứng xử còn bất cập nhưng tại các chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, bến xe, văn hoá giao thông... để đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Đối với quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Thực tế cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố phải nhận thức là cơ quan phục vụ, chính quyền phục vụ, thay đổi tư duy của chính bản thân thì mới tránh được việc ứng xử chưa đúng mực với người dân, doanh nghiệp”.

MỚI - NÓNG