Chống xuống cấp đạo đức xã hội:

Cần bộ quy tắc đạo đức cho xã hội đương đại

 Các nhà văn hóa cho rằng: Đã đến lúc, cần phải xây dựng các bộ quy tắc đạo đức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Các nhà văn hóa cho rằng: Đã đến lúc, cần phải xây dựng các bộ quy tắc đạo đức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Đạo đức xuống cấp trầm trọng một lần nữa được nhắc tới trong phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước ngành văn hóa ngày 19/1. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu ý kiến và bàn thảo rộng hơn xoay quanh chủ đề này.


KHỦNG HOẢNG GIÁ TRỊ
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian khẳng định đúng là đạo đức xã hội đang xuống cấp. Tình trạng tham nhũng và quá trình xử lý khắc phục không ngừng thời gian qua là biểu hiện rõ nhất. 

Ông Sơn cũng nêu hàng loạt biểu hiện khác như không thực hiện các quy định, chuẩn mực về việc công. Không hiếm người kinh doanh làm những chuyện không thể tưởng tượng nổi-biến thịt thối thành thực phẩm để bán. Nhà trường đáng ra là nơi tôn trọng đạo đức nhất lại có chuyện thầy đánh trò, trò đánh thầy và thầy làm những chuyện đồi bại khác. 

Các chuyên gia văn hóa từng mổ xẻ sự xuống cấp đạo đức trong cuộc lấy ý kiến đóng góp cho đề tài khoa học “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, do Bộ VHTTDL chủ trì. Nhìn thẳng thực tế để thấy chúng ta đang trong thời kỳ khủng hoảng về các giá trị với loạt biểu hiện như sự giả dối, bệnh thành tích, hình thức, thói vô cảm, sự mất niềm tin.

“Nguyên nhân có nhiều và không hẳn chỉ tại ngành văn hóa, nó bắt đầu từ xã hội”, TS Trần Hữu Sơn nói. Đồng quan điểm, TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lí luận phê bình Văn học nghệ thuật trung ương chỉ ra: vai trò gia đình hiện nay khá mờ nhạt, trong giáo dục nhiều nơi giáo viên đua nhau chạy theo thành tích chuyên môn mà xem nhẹ giáo dục nhân cách, lòng nhân ái. “Chính sự yêu thương và tính nhân văn mới là yếu tố quan trọng giúp điều tiết xã hội”, ông Phan Đình Tân nói. 

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phân tích sâu hơn một số nguyên nhân xuống cấp đạo đức dưới góc độ tiếp cận văn hóa: Sự khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng trong xã hội- lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức, kể cả trong những ngành nghề được xã hội vốn xem là cao quý như nghề giáo, nghề y. Sau đổi mới, nước nhà đạt được nhiều thành tựu từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, tuy nhiên mặt trái của tấm mề đay không thể tránh khỏi. “Sự thay đổi xã hội khiến cho logic vận hành của văn hóa thay đổi. Ở đây là những vấn đề của định hướng giá trị, thói quen và phong tập tục quán của một xã hội đang trên đà chuyển đổi. Những giá trị cũ không còn thích hợp chưa mất hẳn, giá trị mới phù hợp chưa thực sự hình thành. Những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn giờ không còn đóng đúng vị trí nữa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích. 

CẦN CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC MỚI
Đánh giá công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu là một trong những giải pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, TS Trần Hữu Sơn nói rằng bên cạnh đó cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, rằng vai trò làm gương của những người đứng đầu rất quan trọng. “Tôi lạc quan và tin rằng cái tốt, chuẩn bao giờ cũng chiến thắng. Lãnh đạo phải đứng về phía cái tốt, khẳng định cái tốt”, TS Trần Hữu Sơn nói. TSKH Phan Đình Tân cũng cho rằng tính nêu gương phải thiết thực, nói đi đôi với làm, quan trọng nhất là những người đứng mũi chịu sào: “Trong gia đình bố mẹ không gương mẫu thì khó mong con cái ngoan ngoãn. Lãnh đạo nhà trường mẫu mực ắt các giáo viên, học sinh theo chuẩn mực nhất định. Người đứng đầu một cơ quan có văn hóa đương nhiên lan tỏa điều đó ra toàn cơ quan”.

Sự khủng hoảng các giá trị hiện tại dẫn đến đạo đức xuống cấp, vì thế PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. “Nghề giáo, nghề y hay bất kỳ ngành nghề nào cũng có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giúp đạo đức xã hội ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn xã hội”, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nói. Hà Nội đưa ra hai bộ quy tắc ứng xử văn minh thanh lịch được đón nhận. Hội Nhà báo Việt Nam vừa đưa ra bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Đó là những hành động thiết thực để tạo ra hệ giá trị đạo đức chuẩn mực cho thời kỳ mới.

Trong số giải pháp, TS Trần Hữu Sơn nhắc tới việc cần đánh giá cao vai trò dư luận xã hội trước các hiện tượng. Ông cho rằng nếu cái xấu, sai trái không được lên án đã là tệ rồi, nhưng nếu những người làm điều thiện, điều tử tế không được biểu dương dễ khiến họ mất niềm tin và trở nên thờ ơ. Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cũng cho rằng cần truyền đi thông điệp tích cực về lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái và hình thành dư luận xã hội ủng hộ cái chân-thiện-mỹ. “Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn từ đó đạo đức tốt đẹp sẽ dần trở lại”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

“Có nhiều vụ việc như xe chở bia bị lật, khi người dân lấy bia mang về hay giúp thu gom bia lại cho lái xe thì đều không thấy ngành văn hoá lên tiếng. Không để những hành động, những việc tử tế, rất bình dị bị đánh giá là không bình thường” .
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.