Ý kiến bạn đọc từ việc 2 giáo sư nổi tiếng bị tai nạn giao thông:

Cần cấm ngay việc rẽ phải, trái khi đèn đỏ

Cần cấm ngay việc rẽ phải, trái khi đèn đỏ
TP - Tôi đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh tăng thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ. Trong thời gian này các phương tiện khác không được phép rẽ phải hay rẽ trái.

Tôi thấy tai nạn giao thông ở thủ đô do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo quan sát của tôi mỗi khi qua các ngả đường có đèn tín hiệu thì thấy thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ qua đường quá ngắn, ngay cả cho người trai trẻ đi nhanh chứ cho người già thì họ lại càng không thể nào vượt được cho dù có cố gắng hết sức.

Mặt khác thời gian dành cho người đi bộ lại cũng chính là thời gian cho xe cơ giới rẽ trái hay rẽ phải giao cắt với người đi bộ, vì vậy người đi bộ rất dễ bị các loại xe cơ giới đụng phải.

Do vậy tôi đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh tăng thời gian đèn xanh dành cho người đi bộ. Trong thời gian này các phương tiện khác không được phép rẽ phải hay rẽ trái.

Bản thân tôi nhiều khi đi bộ qua đường cảm thấy rất bất bình vì không thể nào có đủ thời gian vượt qua lại còn không thể nào tránh được các phương tiện cơ giới đang lao qua trước mặt mình.  

Xin đừng đổ hết lỗi cho người dân

Ở Hà Nội bây giờ, các nút giao thông với hệ thống đèn tín hiệu hiện đại rất đắt tiền được nhập ngoại, nhưng cách tổ chức sử dụng chúng quá kém cỏi. Xin nêu mấy ví dụ:

1. Ngã tư Phan Bội Châu cắt Hai Bà Trưng: Đèn xanh bật cho xe cộ và người đi bộ đi hướng thẳng Phan Bội Châu cắt Hai Bà Trưng, đồng thời cũng cho phép dòng xe từ hướng Cửa Nam, rẽ trái sang Hai Bà Trưng.

Như vậy, người đi bộ không thể vượt qua được dòng xe máy rẽ trái vô cùng hùng hậu đó, dù có chạy cũng không kịp... mà đợi dòng xe đó chạy qua hết thì đã hết đèn xanh. Thực sự mỗi lần qua đó, dù là người trẻ khỏe cũng bó tay... chưa nói người già!

2. Ngã tư Điện Biên Phủ cắt Trần Phú (Vườn hoa Lê nin): Khi đèn xanh cho phép đi chiều từ Bảo tàng Quân đội xuống hướng Cửa Nam, người điều khiển xe máy và ô tô muốn rẽ trái sang đường Trần Phú hoàn toàn không biết quặt vào đâu, vì hàng xe máy đang đợi đèn đỏ trên mặt đường Trần Phú đã chắn ngang toàn bộ mặt đường này.

Nút giao thông này cũng là nơi tôi hàng ngày đi qua hầu như lúc nào cũng chứng kiến rất nhiều người bị phạt vì mắc lỗi giao thông, chắc chắn không phải đó là những người thiếu ý thức giao thông, mà vì họ là những người ở xa đến, không thể “đối phó” được với cách phân chia luồng giao thông vô cùng bất tiện và phi lý như vậy ở nút giao lộ này.

Thực tình tôi là người Hà Nội gốc, ngày nào cũng đi làm qua nút giao thông này nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hình dung được mình phải vượt nút giao thông này thế nào mới là đúng luật và luôn có cảm giác mình đi phạm luật, không biết rẽ vào đâu cho phải!

Tôi xin hỏi: Như vậy, trong những trường hợp thế này lỗi do người dân hay do cơ quan tổ chức phân luồng giao thông ở đây?  

Có vạch cho người đi bộ: có cũng như không

Tại Hà Nội cũng như ở Việt Nam nói chung, chúng ta cũng kẻ vạch cho người đi bộ sang đường, nhưng tôi thấy hầu như không ai chú ý về ý nghĩa của phần đường này.

Ở các nước, nơi cho người đi bộ đi sang đường, họ kẻ các vạch đậm màu trắng, nhiều vạch dọc theo tim đường. Tại đó, nếu không phải là nơi có đèn tín hiệu, bao giờ người đi bộ cũng được ưu tiên. Bất kỳ trường hợp nào các phương tiện giao thông đều phải chờ người đi bộ.

Nếu để xảy ra tai nạn cho người đi bộ tại nơi đó thì người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt rất nặng. Tôi nhận thấy ngay cả cảnh sát và người quản lý giao thông tạo ra các quy định này cũng không hiểu về sự ưu tiên tại chỗ đó, và người đi bộ càng không hiểu, và thế là có vạch cũng như không!

Ngoài ra, đề nghị cảnh sát giao thông phải chú ý nhắc nhở khách bộ hành khi sang đường. Có lẽ mới chỉ có một trường hợp xử lý người đi bộ tại TPHCM, ở các nơi khác hầu như cảnh sát giao thông chỉ chú ý đến ô tô hoặc xe máy, người đi bộ muốn đi thế nào, sang đường ở đâu, nhảy qua rào chắn cũng không sao.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.