Thiếu tướng Lê Văn Cương

Cần chính sách đặc biệt cho những “vùng trắng” như Lóng Luông

Tướng Cương cho rằng, cần có chính sách đặc biệt ở những vùng đặc biệt.
Tướng Cương cho rằng, cần có chính sách đặc biệt ở những vùng đặc biệt.
TP - Chia sẻ với Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, trên dọc biên giới với hơn 3 nghìn km sẽ còn những Lóng Luông tương tự khác. Chính vì thế cần tổng kiểm tra, xem còn bao nhiêu “vùng trắng”, vùng khó khăn như ở Lóng Luông.

Cứu hàng trăm nghìn người khỏi “cái chết trắng”

Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng cuối cùng thì lực lượng công an cũng phá được sào huyệt của trùm ma túy ở Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La). Ông đánh giá gì về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này?

Từ vụ việc ở Lóng Luông có thể đưa ra nhiều nhận xét từ nhiều góc độ khác nhau. Cái nhận thấy rõ nhất và phải khẳng định, đó là thành tựu rất lớn của lực lượng công an. Bởi nói gì thì nói, cuộc chiến với tội phạm ma túy là cuộc chiến nguy hiểm nhất. Trong hàng chục loại tội phạm hình sự khác thì tội phạm ma túy là loại tội phạm nguy hiểm nhất.

Tội phạm ma túy không bao giờ hoạt động đơn lẻ mà luôn có tổ chức. Hơn nữa, vụ ở Lóng Luông lại là một tổ chức có quy mô rất lớn, cả về đối tượng tham gia, cả không gian hoạt động xuyên biên giới, rồi lớn cả về số lượng ma túy lẫn thời gian hoạt động.

Có thể nói, lực lượng công an đã cứu được hàng trăm nghìn thanh niên thoát khỏi “cái chết trắng”. Người dân rất quan tâm, đánh giá cao sự chiến đấu dũng cảm, hi sinh của lực lượng công an trong cuộc chiến này. Thời chiến đã vậy, nhưng sự hi sinh trong thời bình này cũng là hết sức vĩ đại.

Bên cạnh những chiến công rất đáng ghi nhận của lực lượng công an, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vụ việc ở Lóng Luông đã bộc lộ nhiều bất cập với nhiều khoảng tối trong phòng chống tội phạm, thưa ông?

Ðúng là bên cạnh mặt sáng, mặt tích cực, chúng ta cũng thấy được những mặt tối từ vụ việc này. Trước tiên có thể thấy, bọn tội phạm này hoạt động không phải chỉ trong một đêm, một tuần, hay một tháng, mà đã kéo dài trong nhiều năm, được tổ chức một cách chặt chẽ. Ðiều này nói lên điều gì? Có thể thấy rằng, thế trận an ninh nhân dân của chúng ta được xây dựng vài chục năm nay, trên bình diện cả nước cơ bản vững mạnh, nhưng vẫn có những vùng còn hết sức mong manh, lỏng lẻo.

Phải nói rằng, từng hệ thống chính trị cơ sở tại đây có thể bị tê liệt, yếu kém. Vì loại hình tội phạm này đâu chỉ hoạt động sau một đêm, sau một tuần, hay một tháng, mà đã rất lâu, vậy chẳng lẽ không ai biết? Dân biết chứ ?! Vậy chi bộ cơ sở, đảng ủy xã của ta ở đâu? Hệ thống chính trị địa phương ở đâu? Hệ thống cơ sở của ta tại thôn bản yếu kém, cấp xã yếu kém thì có trách nhiệm của cấp trên yếu kém. Làm gì có huyện trong sạch, tỉnh vững mạnh mà lại để xảy ra “vùng trắng” này? Cho nên cả cấp trên cơ sở ở khu này cũng yếu kém.

Mặt khác, việc nắm tình hình ở địa phương cũng phản ánh sự quan liêu của bộ máy. Ðúng như nghị quyết của Ðảng từng đề cập, bộ máy của chúng ta còn nặng nề, cồng kềnh, xa dân, ở trong dân mà không hiểu dân, không nghe dân, rất quan liêu. Tại khu vực này, chúng ta chưa khơi dậy được ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của người dân.

Nếu khơi dậy được ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng của người dân thì đó là một “thiên la địa võng” lớn mà không một kẻ thù, kẻ địch nào có thể vượt qua được. Ðó là bài học về tuyên truyền giáo dục, thức tỉnh người dân. Ðừng để người dân biết mà không báo cáo, vì sợ không được bảo vệ.

Vụ việc ở Lóng Luông này thức tỉnh từ trung ương đến cấp tỉnh, cần xem xét lại việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi đề nghị trong các văn bản của Ðảng, Nhà nước sau này phải khẳng định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của Ðảng, Nhà nước đối với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Có chính sách đặc biệt cho những vùng đặc biệt

Nhiều người lo ngại ngoài Lóng Luông có thể sẽ còn những Lóng Luông tương tự khác. Theo ông, từ vụ việc này có cần thiết phải rà soát lại những địa bàn trọng yếu, nhạy cảm khác ở những vùng biên giới?

Tôi chia sẻ với những suy nghĩ, tâm tư của nhiều người dân. Lóng Luông là điểm thấp nhất, nhưng trên dọc biên giới của cả nước, Lóng Luông cũng chỉ là một đoạn thôi. Dọc biên giới sẽ còn nhiều “anh em, bà con” của Lóng Luông. Chắc chắn sẽ có những Lóng Luông tương tự khác. Nếu Lóng Luông “nóng” 10 phần thì nhiều vùng khác cũng phải 5 - 7 phần, còn bằng 4 - 5 phần của Lóng Luông chắc cũng nhiều.

Sau sự việc này, tôi cho rằng, Chính phủ cần tổ chức một cuộc họp đặc biệt, ngoài Bộ Công an chắc hẳn phải họp rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, tổng kiểm tra xem vùng biên giới còn bao nhiêu những “vùng trắng”, vùng khó khăn về kinh tế xã hội như Lóng Luông? Cần phải bắt đầu từ Chính phủ, rồi sau đó mới đến cấp tỉnh, cấp huyện. Chính phủ cũng cần đánh giá lại toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc đầu tư cho vùng biên giới.

Cụ thể, theo ông cần làm gì để ngăn chặn hình thành những vụ như Lóng Luông vừa qua?

Giải pháp cơ bản phải làm là: Ðầu tư nâng cao đời sống văn hóa, vật chất cho người dân lên. Mà việc này Chính phủ phải làm, phải đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao đời sống cho nhân dân; Xây dựng hệ thống cơ sở ở thôn bản, cấp xã dọc biên giới và có chính sách đặc biệt cho những vùng đặc biệt. Tôi ví dụ, một ông chủ tịch xã ở ngoại thành Hà Nội, một tháng có thể nhận lương vài ba triệu đồng, còn ông chủ tịch xã ở những vùng này phải được 15 triệu đồng. Hay ông tổ trưởng tổ dân phố ở Hà Nội, có thể chỉ hưởng lương hơn 1 triệu đồng, nhưng ở những vùng đặc biệt này phải 10 triệu đồng. Cần có chính sách đặc biệt như vậy để người ta yên tâm, quanh năm suốt tháng chỉ đi lo việc công.

Cần chính sách đặc biệt cho những “vùng trắng” như Lóng Luông ảnh 1

Ngoài ra, lực lượng công an cũng phải nắm chắc tình hình hơn nữa. Suy cho cùng thì nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện ra hoạt động của loại tội phạm này là yếu tố mang tính quyết định đầu vào của mọi giải pháp. Nói gì thì nói, chúng ta có nắm được tình hình nhưng vẫn còn sơ hở lắm.

Qua vụ này, lực lượng công an biên giới cần phải tăng cường hơn nữa. Bộ Công an sẽ phải có chính sách cụ thể, như một anh đại úy ở Hà Nội lương 8 - 9 triệu mỗi tháng, thì anh đại úy của vùng biên giới này phải hưởng lương gấp đôi.

Ðồng thời phải có sự luân phiên bác sĩ giáo viên, công an lên công tác ở vùng này. Sau 10 năm, họ có quyền về quê lập nghiệp. Tôi nhấn mạnh rằng, ở những vùng khó khăn đặc biệt phải có những chính sách hết sức đặc biệt. Ðó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải chỉ là vấn đề “quan tâm”.

Xin cảm ơn ông.

“Lóng Luông là điểm thấp nhất, nhưng trên dọc biên giới, Lóng Luông cũng chỉ là một đoạn thôi. Dọc biên giới này sẽ còn nhiều “anh em, bà con” của Lóng Luông. Chắc chắn sẽ có những Lóng Luông tương tự khác”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

MỚI - NÓNG