Cần chú ý đến vai trò của gia đình và dòng họ

Cần chú ý đến vai trò của gia đình và dòng họ
TP - Đóng góp phần phát triển văn hóa trong Dự thảo văn kiện Đại hội X của Đảng, PGS. Hà Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có một số ý kiến bổ sung, nhấn mạnh đến vai trò của gia đình và dòng họ trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng về Văn hóa để trong mục IX  “Phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội”, tôi thấy nên thêm từ “Bảo tồn và định hướng”. Như vậy sẽ thành: “Bảo tồn và định hướng phát triển văn hóa để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội”. Như thế sẽ trọn vẹn hơn, bởi vì trước hết phải “bảo tồn” được những giá trị văn hóa vốn có, trên cơ sở đó mới “định hướng phát triển”.

Trong Dự thảo có viết: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”. Theo tôi trong khoảng thời gian một nhiệm kỳ 5 năm và chắc chắn chưa thể “hoàn thiện giá trị con người Việt Nam…” mà chỉ nên “từng bước hoàn thiện…” bởi vì “giá trị con người” không phải là một phạm trù vật chất có thể cân đong đo đếm được.

Ngay cả khi chúng ta đã hoàn thành thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì may ra  giá trị con người Việt Nam mới phù hợp với giai đoạn này chứ chưa hẳn đã hoàn thiện.

“Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” là việc làm hết sức cần thiết vì đây là chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng thiếu niên lại không thấy nhắc đến? Vì vậy nên thêm: “Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, thiếu niên…” hoặc “Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ…”.

Trong dự thảo cũng có đoạn: “Một là, xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân ở cơ sở, thôn xóm, bản, làng, cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị, địa phương. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân. Đa dạng hóa các phương thức hoạt động và tổ chức phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo tôi, trong phần này thiếu cụm từ “gia đình”.

Gia đình Việt Nam có đặc thù riêng rất đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Gia đình nền nếp, hòa thuận sẽ là tổ ấm, là chỗ dựa tin cậy của mỗi người. Con người ngoài đời sống xã hội còn có đời sống gia đình. Câu văn trên mới chỉ nói đến xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa trong xã hội, thiếu phần xây dựng lối sống và đời sống văn hóa trong gia đình.

Chúng ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào gia đình có lành mạnh thì cơ thể xã hội mới cường tráng. Vì vậy gia đình trong vấn đề này rất quan trọng.

Một ý nữa là “dòng họ”, là cộng đồng dân cư. Nhiều dòng họ có truyền thống văn hóa rất mẫu mực, con cháu các gia đình trong các dòng họ này luôn giữ được truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông họ cũng là đóng góp hữu ích cho nền văn hóa chung của cả nước.

Theo tôi đoạn này nên sửa lại: “Một là, xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân từ các cộng đồng dân cư, gia đình, dòng họ ở cơ sở, thôn xóm, bản, làng đến  cơ quan đơn vị, địa phương. Phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân. Đa dạng hóa các phương thức hoạt động và tổ chức phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

PGS. Hà Đình Đức
Đại học Quốc gia Hà Nội

MỚI - NÓNG