Cần có bước đột phá về lý luận đổi mới theo định hướng XHCN

Cần có bước đột phá về lý luận đổi mới theo định hướng XHCN
Tham luận tại ngày làm việc thứ 2, Đại hội X của Đảng:
Cần có bước đột phá về lý luận đổi mới theo định hướng XHCN ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu,đại biểu Đảng bộ các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng phát biểu tham luận.ảnh : TTXVN

Xin trích giới thiệu tham luận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Học viện trình bày với tiêu đề “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam''.

...Thành tựu lý luận mà Đảng ta và nhân dân ta đạt được qua thực tiễn 20 năm đổi mới tập trung nổi bật ở quan điểm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, nền dân chủ hướng tới đông đảo quần chúng nhân dân, đảm bảo dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh, coi đó là khâu then chốt, đại đoàn kết dân tộc là động lực mạnh mẽ và quyết định thành bại của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Sự xác định đúng đắn những vấn đề trên cho thấy, lý luận, tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội thấm nhuần tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đóng vai trò quan trọng đối với thực tiễn đổi mới, làm nên những thành tựu đổi mới.

Tuy nhiên, còn không ít những vấn đề lý luận, cả lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên quan tới cơ cấu kinh tế, chế độ sở hữu, cơ chế quản lý... cũng như lý luận về chính trị, về Đảng cộng sản cầm quyền, nhà nước pháp quyền, hệ thống chính trị, xã hội dân sự...chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.

Sự phát triển của thực tiễn và sự nâng cao không ngừng năng lực tư duy lý luận của Đảng, trình độ nhận thức của xã hội, nhất là giới lý luận sẽ từng bước góp phần làm sáng tỏ và đem lại lời giải đầy đủ, thấu đáo hơn những vấn đề đó.

Trên tinh thần của đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần thẳng thắn nhận rõ rằng, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như hiện nay của chúng ta vẫn chưa ngang tầm những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, của yêu cầu phát triển và hiện đại hóa xã hội. Thành tựu của đổi mới còn có thể to lớn hơn nữa, nếu lý luận đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa có những bước tiến đột phá, đủ sức tạo ra một xung lực tinh thần thúc đẩy thực tiễn phát triển.

Để tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất một số vấn đề về nghiên cứu và thực hành lý luận trong thời gian tới mà Đảng ta cần đặc biệt quan tâm.

Trước hết, cần đi sâu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin một cách cơ bản và hệ thống nhằm tiến tới nhận thức khoa học và hiện đại trên những vấn đề sau đây:

Làm sáng tỏ những giá trị còn thật sự đúng đắn, bền vững, cần thiết cho thế giới quan, ý thức hệ của chúng ta.

Đánh giá những luận điểm của các nhà kinh điển vốn đúng đắn, chính xác, hợp lý ở thời kỳ lịch sử trước đây khi các ông đề xướng nhưng ngày nay thực tiễn biến đổi, đã không còn phù hợp nữa, đòi hỏi phải có những nhận thức, những phát triển mới.

Cần nghiên cứu với tinh thần phê phán để thấy có những luận điểm mà các nhà kinh điển nêu ra nhưng ngay từ đầu đã không đúng và chính các nhà kinh điển cũng đã có điều chỉnh mà ngày nay chúng ta cần phải nhận rõ, cần tự giải phóng tư duy và tư tưởng của chính mình để phát triển mới chứ không lệ thuộc.

Nghiên cứu với tinh thần tự phê phán và tự đổi mới để thấy cho rõ nhiều luận điểm, tư tưởng của các nhà kinh điển đã từng bị hiểu sai, làm sai do giáo điều, do hạn chế nhận thức dẫn tới. Bằng sức mạnh tư duy khoa học phải vượt qua những hạn chế đó, phải làm chính xác những tư tưởng đích thực là của Mác-Lênin. Cũng từ đó, nhận rõ những sự xuyên tạc Mác, cắt xén Mác-Lênin, những mưu toan phủ nhận Mác-Lênin có dụng ý. Sự phê phán này phải thực sự là những nghiên cứu khoa học khách quan, nghiêm túc nhất, góp phần củng cố niềm tin khoa học với chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội.

Nghiên cứu những thành tựu khoa học, lý luận mà thế giới đương đại đã và đang đạt được, từ đó thấy rõ những gì cần phải bổ sung, làm phong phú và sâu sắc thêm kho tàng di sản kinh điển mácxít.

Tiếp theo, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần thể hiện chân thật và sinh động việc thực hành nhất quán, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc sống, từ trong Đảng, Nhà nước đến các tổ chức, đoàn thể của hệ thống chính trị, trong đời sống của dân và trong toàn xã hội.

Cuối cùng, khâu quyết định đối với việc chúng ta có tiếp tục xây dựng nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hay không là công tác nắm bắt kịp thời, tổng kết chính xác thực tiễn kinh tế- xã hội, chính trị, khoa học- kỹ thuật, văn hóa, tinh thần của thời đại và cuộc sống sôi động của đất nước.

Không tiến hành có hiệu quả nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, Đảng và nhân dân ta không thể góp phần tạo ra cho lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội sinh lực và xung lực trong thời đại mới; càng không thể khai mở ngày càng sáng tỏ con đường Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.../.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG