Cần có chế tài ngăn chặn độc quyền giá

Cần có chế tài ngăn chặn độc quyền giá
TP - Một ngày sau khi Chính phủ mới ra mắt, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của Quốc hội diễn ra chiều qua (3/8), nhiều Bộ trưởng đã tích cực đăng đàn để cùng thảo luận những vấn đề các đại biểu nêu ra tại Hội trường.
Cần có chế tài ngăn chặn độc quyền giá ảnh 1
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc họp - Ảnh: Hồng Vĩnh

Đây chính là một nét mới trong hoạt động của các thành viên Chính phủ khoá XII.

Giá cả tăng cao đang làm ảnh hưởng đời sống của hàng triệu người dân. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) bức xúc:

“Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao với tốc độ mà e rằng sẽ vượt quá chỉ tiêu QH đề ra. Nhưng báo cáo của Chính phủ trước QH chưa đi sâu vào các nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể.

Năng lực sản xuất trong nước thế nào, trong khi nhiều mặt hàng có giá cao hơn giá nhập khẩu.

Chúng ta phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu, nhưng lại chậm trong việc nhập khẩu hàng về để bình ổn giá cả, hoặc chậm sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng. Ví như mặt hàng sữa 4 lần tăng giá trong 6 tháng qua mà đến nay vẫn chưa giảm thuế nhập khẩu”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) cho hay, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2007 tăng 5,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước (4%), giá tăng cao nhất ở hai nhóm hàng lương thực, thực phẩm (6,8%) và nhà ở, vật liệu xây dựng (8,24%)...

Chính phủ cần đi sâu phân tích nguyên nhân cụ thể và trách nhiệm của các bộ ngành trong việc giá cả tăng cao.

Thực tế cho thấy, bất kỳ mặt hàng thiết yếu nào tăng lên sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng khác và giá tăng theo giá là bài toán vô cùng hóc búa cần các ngành chức năng ra tay giải quyết.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ không được chủ quan, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra nhằm bình ổn giá cả, đặc biệt cần giảm các khoản thu cho nông dân..., và có chế tài ngăn chặn độc quyền giá.

Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) nhấn mạnh: “Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp thời gian qua chỉ trên 3% trong khi đó chỉ số tăng giá là 5%, như vậy người nông dân rất vất vả”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện nhiều giải pháp mạnh về  tài chính, tiền tệ,  tăng cung hàng hóa và kiểm soát giá cả.

Ông Ninh cho biết sẽ tạm thời giảm thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép, thép..., các mặt hàng sữa xuống còn 40-50% so với mức thuế hiện hành; các mặt hàng đang bảo hộ sẽ giảm thuế, thêm 10% nữa.

Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo giãn thời hạn nộp thuế VAT từ 30 ngày lên 90 ngày một số mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu, đồng thời cải cách thủ tục hải quan để rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu.

Ngoài ra, để kiểm soát giá cả, sẽ chủ trương không điều chỉnh giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn, giữ ổn định giá điện, xăng dầu; giảm giá dịch vụ viễn thông và một số dịch vụ khác ngay trong tháng 8, giảm giá bán sách giáo khoa...

“Bộ Tài chính sẽ chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên bộ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Pháp lệnh về giá” - Ông Ninh nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Bộ chúng tôi đã điều tra và báo cáo với Chính phủ về các khoản đóng góp của nông dân và đã cùng Bộ Tài chính đề xuất miễn thủy lợi phí”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là lĩnh vực vận tải hành khách...

Về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ có nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước... 

Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã đăng ký phát biểu.

Sáng cùng ngày, QH làm việc về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2005.

Hôm nay (4/8), Quốc hội họp phiên bế mạc.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...