Cần có một tấm lòng

Cần có một tấm lòng
TP -  Con số của Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, hiện nước ta có khoảng 27.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Con số này chắc còn xa thực tế.

Dư luận hẳn chưa quên em Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội được phát hiện cuối năm 2007 và Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau được phát hiện đầu năm nay, có cuộc sống làm thuê khổ cực như thời trung cổ. Em Nguyễn Thị Bình làm thuê 13 năm cho một quán phở, kết quả trên cơ thể có 424 vết sẹo đánh đập, tổn hại sức khỏe 37%. Em Nguyễn Hào Anh làm thuê cho một trại tôm giống chưa đầy hai năm mà cơ thể đầy thương tích, tổn hại sức khỏe gần 67%, khiến bất cứ ai còn có lương tâm không khỏi rùng mình.

Như thế, đã thấy rõ trẻ em lao động cơ cực, cần giúp đỡ nhất đang ở đâu. Hàng năm, tháng hành động vì trẻ em nếu chỉ tổ chức mít tinh, đọc diễn văn và những đoàn xe hoa đi trên phố khó có tác động tích cực đến các em ấy. Cuộc sống đã đổi thay, điều kiện làm việc đã đổi thay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải đổi khác.

Phải lôi cuốn chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh vào trách nhiệm bảo vệ trẻ em có lẽ là một hướng đi tích cực. Kinh nghiệm thành công của Liên đoàn Công nghiệp Sản xuất Đồ Thể thao Thế giới cho thấy điều đó. Tháng 11 - 1995, họ tổ chức hội nghị quy tụ nhiều hãng sản xuất đồ thể thao có tên tuổi trên thế giới, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Hiệp định Atlanta về xóa bỏ lao động trẻ em trong ngành sản xuất bóng đá tại Pakistan, công bố tháng 2-1997, thu hút 31 Cty, chiếm hơn 80% hàng thể thao xuất khẩu và 55 hãng có tên tuổi trên thế giới đại diện cho gần như toàn bộ thị trường thể thao toàn cầu, cam kết chỉ mua bóng đá từ những nơi không sử dụng lao động trẻ em.

Không chỉ loại bỏ việc sử dụng lao động trẻ em, họ còn cam kết thực hiện chương trình bảo vệ xã hội, cho các em thôi việc được đi học, hỗ trợ tài chính cho gia đình các em. Nhờ đó, 6.000 trẻ em ở Pakistan thoát khỏi dây chuyền sản xuất bóng đá xuất khẩu, trở lại trường học. Các chương trình tương tự đang được thực hiện ở Ấn Độ.

Bao giờ các hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam cam kết không sử dụng lao động trẻ em, không làm ô nhiễm môi trường xã hội bên cạnh không làm ô nhiễm môi trường thiên nhiên, hơn thế nữa là tham gia các chương trình xã hội bảo vệ trẻ em? Và bao giờ, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có trách nhiệm với trẻ em, tổ chức được những chương trình cụ thể hướng tới trẻ em bị thiệt thòi nhất, đưa các em ra khỏi chốn lầm than?

Nếu chỉ như lâu nay, mỗi khi phát hiện trường hợp bóc lột lao động trẻ em, lên án và xử phạt chủ lao động, vận động các em về nhà, vận động cha mẹ các em không cho các em đi làm thuê nữa, thì không có kết quả. Nhiều địa phương từng rầm rộ “mở chiến dịch” đưa trẻ lao động đường phố về với gia đình và kết quả là con số không chỉ sau vài tuần. Vấn đề có ý nghĩa quyết định, để trẻ em thoát nghèo cần cho chúng tri thức, và muốn giúp trẻ em thoát lao động khổ sai cũng phải có tri thức, mà trên hết là tấm lòng vì trẻ em.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.