Cần cơ quan độc lập giám sát giá dịch vụ y tế

Bệnh nhân cấp cứu chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Việt Đức . Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bệnh nhân cấp cứu chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Việt Đức . Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Cuối tháng 11, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng. Người dân băn khoăn liệu cách tính giá này có sát với thực tế, có thực sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như Bộ Y tế nhìn nhận không.

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Theo ông giá dịch vụ y tế đã sát với thực tế chưa?

Hiện nay đang trong tiến trình xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo hiểm y tế (BHYT) có khả năng chi trả. Chúng ta căn cứ theo giá định ra từ hồi bao cấp và điều chỉnh theo khả năng thị trường có thể chấp nhận được đến đâu thì điều chỉnh đến đó chứ chưa phải là “khoa học dẫn đường”. “Khoa học dẫn đường” là tính chi phí đầu vào đầy đủ cho một loại hình dịch vụ y tế và chất lượng nó phải được định ra. Khi nào đưa ra được chất lượng định cung cấp và tính được chi phí đầu vào thì lúc đó chúng ta sẽ tính ra được giá, tất nhiên là có sự dao động theo thị trường. Cái này chúng ta chưa làm được.

Để cho bệnh viện công xây dựng giá hiện nay tôi lo ngại là sẽ cao hơn thực tế. Và cách họ xẻ ra từng dịch vụ, tưởng chừng là thấp nhưng thực tế không phải. Ví dụ: Nếu khám 1 bệnh nhân đúng quy trình thì 20.000 đồng không cao nhưng xem thực tế họ khám như thế nào và ai đánh giá chất lượng đó. Nếu 20.000 đồng như thế mà một buổi sáng 1 bác sỹ khám 80-100 bệnh nhân thì giá 20.000 lại là quá cao. 

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Bộ Y tế giao các bệnh viện trung ương xây dựng giá vì làm sao Bộ trực tiếp làm được việc đó. Sau đó lập hội đồng họp gồm các bệnh viện, có sự tham gia của bảo hiểm xã hội và tài chính. Quan trọng là cần những người có chuyên môn y tế, quan tâm đến vấn đề về giá nhưng họ phải đứng độc lập, ở vị trí phi lợi nhuận. Trong thực tế, có những bệnh viện công vận hành không hiệu quả nên giá tăng cao. Vì thế để cho bệnh viện công xây dựng giá hiện nay tôi lo ngại là sẽ cao hơn thực tế. Và cách họ xẻ ra từng dịch vụ, tưởng chừng là thấp nhưng thực tế không phải. Ví dụ: Nếu khám 1 bệnh nhân đúng quy trình thì 20.000 đồng không cao nhưng xem thực tế họ khám như thế nào và ai đánh giá chất lượng đó. Nếu 20.000 đồng như thế mà một buổi sáng 1 bác sỹ khám 80-100 bệnh nhân thì giá 20.000 lại là quá cao.

Điểm quan trọng ở đây chúng ta cần là cung ứng dịch vụ theo chất lượng đảm bảo và không bị lợi nhuận kéo vào. Chúng ta có thể làm được đối với y tế vì trong xã hội luôn luôn có 1 nhóm làm việc vì cái tâm, đó là nhóm các tổ chức phi lợi nhuận. Mình hiện nay thì không công nhận cái đó, trong Luật Khám chữa bệnh cũng chỉ có công và tư. Trong khi công thực ra là công-tư lẫn lộn. Ở đây tôi có thể chỉ ra rằng rất nhiều giá cao hơn thực tế. Tôi nghĩ rằng muốn thay đổi những cái này cần có sự thay đổi quyết liệt từ phía trên, phải có người dám chịu trách nhiệm còn phương án giải quyết không phải không có.

Vậy theo ông, có cần thiết một cơ quan độc lập để phân tích, giám sát giá dịch vụ không?

Theo tôi, càng đi vào kinh tế thị trường thì chúng ta càng cần đến một sự giám sát đánh giá độc lập. Trong trường hợp giá dịch vụ y tế chúng ta biết nó có quá nhiều yếu tố cấu thành giá được điều hành bởi thị trường. Và rất nhiều yếu tố đó bản thân chúng ta cũng không thể kiểm soát nổi cho nên cần phải có một hệ thống nghiên cứu theo dõi, giám sát giá một cách độc lập và đưa thông tin đó đến cho các cơ quan khi thảo luận về giá.

Ông từng cho rằng, người dân đừng quá mong chờ vào sự thay đổi chất lượng dịch vụ vì nó chỉ là sự dịch chuyển chi trả tiền lương. Vậy khi nào chất lượng y tế mới nâng cao được?

Đây là câu hỏi mà người dân rất quan tâm. Khi làm rõ được gói dịch vụ y tế cơ bản, người dân sẽ biết khi mua BHYT sẽ nhận được những gói dịch vụ cơ bản như thế nào và Bộ Y tế phải chỉ ra được chất lượng các gói đó ra sao. Khi có chất lượng như thế mới điều chỉnh giá tính đúng tính đủ. Trên cơ sở đó thì chất lượng dịch vụ y tế mới tăng. Còn hiện tại Bộ Y tế vẫn đang xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản và năm 2018 mới xong.

Giá dịch vụ y tế, tôi dám chắc chỉ có tăng, còn chất lượng y tế thì hiện nay chưa đánh giá được. Chất lượng y tế giờ không phải một cá nhân quyết định như ngày xưa, mà phải làm việc theo nhóm. Tôi nói ví dụ đẻ thường, từ khâu bác sĩ theo dõi, điều dưỡng ra sao, người chuẩn bị dụng cụ, người theo dõi hậu phẫu thế nào... Thực ra là cả 1 đội ngũ làm việc có kỷ luật và theo một quy trình. Chúng ta mới dựa vào 1 cá nhân bác sĩ, ông này mổ giỏi, ông này đỡ giỏi để tính giá dịch vụ nhưng hôm nay ông mổ giỏi còn các thành viên khác hỗ trợ ông ấy như thế nào?

Cảm ơn ông.

“Chưa thấy nước nào phân giá  tới 1.800 dịch vụ cả”

GS Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên Giám đốc trung tâm Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, người từng tham gia xây dựng giá chuyên ngành thận nhân tạo cho biết: “Hiện nay tăng là tăng, chứ không có cơ sở, nguyên tắc nào cả. Đáng ra phải lấy giá của Ấn Độ, Trung Quốc hay Pháp làm cơ sở, để có căn cứ đối chiếu. Với mỗi chuyên ngành sẽ có những hạng mục kỹ thuật khác nhau, như thận nhân tạo chỉ có vài chục kỹ thuật nhưng ngoại khoa đến vài trăm kỹ thuật, chỉ cần giá mỗi cái nhích lên 1 xíu thì tổng đã lên rất nhiều mà không ai kiểm duyệt được. Tôi cũng chưa thấy nước nào phân giá tới 1.800 dịch vụ cả, ngay ở Ấn Độ hay Trung Quốc cũng chỉ có 500-600 nhóm giá. Tôi thấy của ta phân chi tiết cả nhổ răng khó, nhổ răng dễ, vậy người dân làm sao biết cái nào dễ, cái nào khó? Đó là chưa kể các loại chi phí đầu vào, mỗi bệnh viện đấu thầu 1 giá khác nhau, rồi chuyên ngành nào biết chuyên ngành đó, không thể đánh giá chéo nhau được, nên dịch giá cái này, cái khác lên cũng không thể biết được vì không có chuyên môn”.

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế: Quỹ BHYT cân đối được đến hết năm 2017

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Với mức tăng 1.800 dịch vụ y tế, Quỹ BHYT có thể cân đối được hết năm 2017. Từ nay đến năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 7 cấu phần vào giá dịch vụ y tế thì mới cân nhắc đến việc có điều chỉnh mức đóng hay không.

Theo quy định hiện hành, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, đến nay đang thu 4,5%. Cũng theo ông Sơn: “Tất cả cơ quan phải quản lý chặt chẽ, một mình cơ quan BHXH dù có tăng cường quản lý đến đâu, tiền có đến vài chục nghìn tỷ thì cũng tiêu hết ngay. Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ để căn cơ chi phí dự phòng này cho đến hết năm 2017. Đến năm 2018, khi kết cấu thêm phần khấu hao tài sản cố định và chi phí đào tạo thì điều chỉnh mức đóng”.

Được biết, với thay đổi này, Quỹ BHYT sẽ chi trả nhiều hơn, phần chi trả của người dân sẽ giảm đi vì thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được Quỹ BHYT chi trả, người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Và hướng đến năm 2018 phần chi từ tiền túi người dân sẽ ở mức dưới 40% giá dịch vụ, giảm hơn rất nhiều so với hiện nay là xấp xỉ 50%.

Thái Hà

“Việt Nam chưa thể như các quốc gia khác!”

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Theo thông tư 25 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, hai bộ Y tế và Tài chính cùng nhau tính toán giá dịch vụ y tế từ định mức rồi tính ra giá. Trong quá trình làm, Bộ Y tế và Bộ Tài chính là 2 cơ quan phối hợp quy định giá còn cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thay mặt người dân thanh toán chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh nên họ thay mặt người bệnh giám sát. Việt Nam chưa thể như các quốc gia khác giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm được, nếu có tổ chức nào thì bọn tôi sẵn sàng mời tham gia ngay”.

Thái Hà

MỚI - NÓNG