Cần đổi mới thi tuyển công chức

ĐB Lê Như Tiến. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Như Tiến. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội nhấn mạnh: “Phải đổi mới thi tuyển cán bộ, công chức một cách toàn diện, nếu không sẽ khó thoát vòng luẩn quẩn của tiêu cực, khó tuyển được người có tâm sáng, có tài thực”.

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến nói: 

Bây giờ nhiều cơ quan thi chỉ là hình thức, đằng sau đó có thể đã có sắp đặt hết cả rồi. Như ở Bộ Công Thương vừa qua, thi là để tuyển “con ông cháu cha”. Có người mới chỉ vào làm hợp đồng thôi mà trúng tuyển ở vị trí cao. Thi như thế người thực tài rớt hết. 

Trước đây, một số thành phố có chính sách “trải thảm đỏ” thi/tuyển công chức, nhưng nhiều sinh viên giỏi cũng không vào được. Có những người bằng đỏ, đứng đầu danh sách vẫn trượt, hoặc vào được rồi cũng không trụ nổi. Không được trọng dụng, một thời gian họ sẽ phải ra đi.

Không ít cuộc thi là để tuyển con ông cháu cha. Qua đó cho thấy việc tổ chức thi lâu nay rất tốn kém, nhưng lại có vẻ là hình thức chứ không phải để lấy người thực tài. 

Người ta thường nói, tiền tệ, hậu duệ (con cháu), ngoại lệ, đồ đệ (thân tín) rồi thứ năm mới đến trí tuệ. Thứ tự ưu tiên như thế sẽ chẳng bao giờ tuyển được người tài. Người tâm sáng, tài cao mà bị tiêu chí đó nó chi phối thì sẽ không bao giờ lọt vào được. 

Vậy theo ông, để hạn chế tiêu cực, tuyển được cán bộ có tâm sáng, tài cao phải thay đổi thi tuyển như thế nào?

Phải thay đổi thi tuyển một cách căn bản. Cần có một nghị quyết của Đảng, Nhà nước thay đổi toàn diện cách làm, từ khâu đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, quản lý đến đề bạt, bố trí, luân chuyển cán bộ. Những nội dung đó phải thay đổi rất căn bản. Nếu vẫn cách tư duy, cách làm hiện nay thì khó lòng chọn, khó giữ được cán bộ giỏi. Cần phải xác định tuyển công chức là tuyển người để làm việc. Cơ quan nhà nước không phải nhà trẻ của con ông cháu cha, của con cháu các cụ. 

Công tác tuyển dụng của chúng ta hiện nay bị quá nhiều sức ép của điện thoại, của thư tay, của chỉ thị, thậm chí cho cả “trợ lý” xuống can thiệp “cháu cụ này”, “người nhà của ông XYZ kia”.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG