Cần động thái trách nhiệm hơn thay vì xin lỗi

Hiện trường vụ 2 tàu hàng đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam).
Hiện trường vụ 2 tàu hàng đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam).
TP - Với 5 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra chỉ trong 5 ngày (từ 24 đến 28/5), các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam và ngành Giao thông cần có động thái trách nhiệm hơn như từ chức, thay vì chỉ nói nhận trách nhiệm, xin lỗi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia đang công tác trong lĩnh vực giao thông (xin giấu tên) cho rằng, khi theo dõi các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp vừa qua, ông thấy “đau thương lắm”. Vị chuyên gia này cho rằng, với những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng như vừa qua, người đứng đầu phải có văn hóa từ chức. Từ chức, theo ông, không phải để từ chối hay tránh trách nhiệm, từ chức rồi vẫn phải xử lý các vụ việc, nhưng đó là một động thái thể hiện trách nhiệm. “Còn cứ nói do ông này, ông kia, nhận trách nhiệm, xin lỗi một câu thì chẳng để làm gì, đâu lại vào đấy cả, qua rồi tai nạn vẫn xảy ra”, ông nói. 

Theo vị chuyên gia trên, với các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vừa qua, trong đó có phần lỗi của nhân viên ngành đường sắt, nên lãnh đạo Tổng Cty Đường sắt phải có trách nhiệm lớn nhất. Còn lãnh đạo ngành đường sắt nói chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu kỷ luật... cũng chỉ nói cho xong chuyện. Ông dẫn chứng ở Tổng Cty Đường sắt từng có tiền lệ là nguyên Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành, năm 2016, khi bị điều động sang vị trí khác ở Bộ GTVT, ông Thành đã xin nghỉ việc. Hành động của ông Thành, dù chưa phải từ chức nhưng cũng rất tự trọng.

Tại nhiều nước, theo chuyên gia trên, khi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, người đứng đầu sẵn sàng từ chức ngay. Tất nhiên, ở các nước phát triển, lãnh đạo từ chức vẫn có cơ hội cống hiến và thăng tiến trở lại. Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Khi một ai đó từ chức, lập tức bị pháp luật và xã hội xem đó như án kỷ luật khủng khiếp. “Chỉ khi luật pháp và xã hội tạo điều kiện cho người lãnh đạo từ chức vẫn có cơ hội cống hiến và thăng tiến trở lại, khi đó nước ta mới có văn hóa từ chức”, chuyên gia giấu tên chia sẻ.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, đường sắt Việt Nam tụt hậu quá xa so với phát triển kinh tế và so với thế giới. Trong khi ngành đường sắt vẫn “giậm chân tại chỗ”, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, đường ngang ngày càng nhiều dẫn đến nguy cơ mất an toàn đường sắt tăng theo. Theo ông Liêm, trách nhiệm làm đường gom dân sinh là của ngành đường sắt, còn trong bối cảnh đường sắt càng kinh doanh càng lỗ thì nhà nước phải đứng ra làm thay. Ông Liêm cho rằng: “Khi xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt có lý do tới từ nhân viên ngành đường sắt, thì Tổng Cty Đường sắt phải chịu trách nhiệm lớn nhất”.

Trước đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã xin lỗi gia đình và các nạn nhân trong các vụ tai nạn đường sắt vừa qua và nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cũng đã nhận trách nhiệm và xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Bộ GTVT.

Liên quan tới vụ tàu khách SE19 đâm ô tô tải tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa, rạng sáng 24/5), làm 2 người chết, 10 người bị thương, hư hại nặng hạ tầng đường sắt, Tổng Cty Đường sắt bước đầu xác định: Nguyên nhân vụ tai nạn là nhân viên gác chắn đường ngang chủ quan và lái xe tải chạy qua đường sắt.

Với vụ 2 tàu hàng đâm nhau trực diện trong ga Núi Thành (Quảng Nam, chiều 26/5), Tổng Cty Đường sắt bước đầu xác định: Nguyên nhân vụ tai nạn là các nhân viên làm công tác chạy tàu không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp. Trong đó, trực ban chạy tàu của ga Núi Thành không phổ biến đầy đủ, rõ ràng kế hoạch chạy tàu tại ga cho những người liên quan. Trưởng ga Núi Thành đã tự ý cắt móc toa xe N giáp sau đầu máy 350 của tàu hàng số hiệu 2469, trong khi ga đang thực hiện kế hoạch đón tàu ASY2 (TPHCM - Hà Nội); trưởng ga cũng không phổ biến kế hoạch dồn cho lái tàu biết. Lái tàu 2469 đã cho tàu chạy khi không có phụ lái, không quan sát tín hiệu.

Về xử lý trách nhiệm bước đầu 2 vụ tai nạn trên, Tổng Cty Đường sắt đã đình chỉ công tác với 10 cán bộ, nhân viên trực tiếp có liên quan tới các sai sót dẫn tới tai nạn. VNR cũng yêu cầu 12 lãnh đạo các đơn vị, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm liên đới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.