Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức TW Đảng Trần Sỹ Mỹ:

Cần đưa ra khỏi Đảng từ 1 đến 3% đảng viên

Cần đưa ra khỏi Đảng từ 1 đến 3% đảng viên
TP - “Đưa ra khỏi Đảng khoảng từ 1% đến 3% đảng viên mới khắc phục được tình trạng Đảng đông nhưng chưa mạnh” - Ông Trần Sỹ Mỹ- Vụ trưởng Vụ Đảng viên thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng nói.
Cần đưa ra khỏi Đảng từ 1 đến 3% đảng viên ảnh 1
Nguyên Thứ trưởng GTVT Nguyễn Việt Tiến  bị kỷ luật đẩng và bị khởi tố

Trong bài viết trên Tiền phong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp  đã nhấn mạnh Đại hội X của Đảng cần coi trọng bàn về công tác xây dựng Đảng. Làm thế nào để “Nâng cao năng lực và  sức chiến đấu của Đảng”- một trong những chủ đề mà Đại hội X nêu ra?

Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Sỹ Mỹ- Vụ trưởng Vụ Đảng viên thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng xung quanh vấn đề này.

Đảng viên tuy đông nhưng chưa mạnh

Thực trạng công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay ra sao, thưa ông?

Thực trạng của công tác Đảng hiện nay, theo tôi là đội ngũ đảng viên tuy đông nhưng chưa mạnh. Còn một bộ phận đảng viên không thể hiện được vai trò tiên phong gương mẫu, rèn luyện tư cách chưa nghiêm, chưa giữ gìn được phẩm chất chính trị, phẩm chất lối sống, trình độ, năng lực còn yếu, một số thoái hóa, biến chất, tham nhũng.

Đặc biệt, nhiều vụ tiêu cực do cơ quan chuyên môn, cơ quan pháp luật, báo chí, quần chúng nhân dân phát hiện ra, trong khi tổ chức Đảng lại ít phát hiện được. Điều đó thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của tổ chức Đảng.

Chẳng hạn như vụ tiêu cực tại PMU 18 và Bộ GTVT xảy ra nghiêm trọng như vậy mà ông Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải còn nói: “Ông Nguyễn Việt Tiến là đảng viên gương mẫu, Đảng ủy Bộ GTVT là Đảng ủy trong sạch, vững mạnh”(!?).

Điều này có nguyên nhân từ việc quản lý không tốt hoặc biết sự việc nhưng đấu tranh kém. Sức chiến đấu của Đảng và đảng viên giảm sút hoặc mất sức chiến đấu. Một thực trạng đáng lo ngại khác là đảng viên không nắm được Điều lệ Đảng.

Thưa ông, có đảng viên nào không nắm được điều lệ Đảng?

Cần đưa ra khỏi Đảng từ 1 đến 3% đảng viên ảnh 2
Ông Trần Sỹ Mỹ

Qua kiểm tra, phần lớn đảng viên không biết được điều lệ có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều. Hỏi 100 đảng viên thì 80 người không biết điều lệ có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều.

Quyết định kết nạp Đảng, biểu quyết giơ tay thì biểu quyết bằng điều kiện nhưng hỏi có bao nhiêu điều kiện thì không biết. Sắp tới phải làm sao cho đảng viên, cho tổ chức Đảng các cấp từ chi bộ cho đến tỉnh nhận thức sâu sắc về vấn đề này.

Nhiều đảng viên cũng không nắm được các quy định của Đảng như Quy định 19 điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, đảng viên còn phải nắm được những luật như Luật Chống tham nhũng, Luật Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, Luật Lao động...

Đảng viên phải hiểu để nêu gương cho quần chúng nhưng nhiều chi bộ chưa làm được việc này. Đây là khâu yếu nhất. Vì sao? Vì họ lúng túng không xác định được nội dung.

Cứ hình dung xem sinh hoạt chi bộ hiện nay nghèo nàn “cực khổ” như thế này: Kiểm điểm công việc của tháng trước, tự đề ra nhiệm vụ của tháng sau, rồi nếu có một số thông tin gì liên quan thì thông báo.

Cuộc họp chi bộ hiện nay ở các địa phương thường lặp đi lặp lại như thế. Quá nghèo nàn, máy móc, hình thức, không có nội dung mới.

Mục đích vào Đảng để làm quan mới phải “chạy”

Ông Trần Sỹ Mỹ cho biết, hiện Đảng có gần 200 nghìn chi bộ, có tất cả gần 3 triệu đảng viên. Thời điểm cuối năm 2005, toàn Đảng có trên 17 nghìn đảng viên vi phạm tư cách, hơn 173 nghìn đảng viên hạn chế từng mặt. Mỗi năm số đảng viên bị khai trừ chiếm khoảng 0,3 – 0,4% tổng số đảng viên.

“Đưa ra khỏi Đảng khoảng từ 1% đến 3% đảng viên mới khắc phục được tình trạng Đảng đông nhưng chưa mạnh” - Ông Mỹ nói.

Theo ông, có hiện tượng “chạy” vào Đảng không ?

Hiện tượng chạy thì tôi không dám khẳng định, nhưng có chuyện hạ thấp tiêu chuẩn kết nạp Đảng.

Vì sao lại phải hạ thấp tiêu chuẩn, trong khi Đảng không chủ trương phải kết nạp đảng viên ồ ạt?

Hạ thấp tiêu chuẩn vì họ không thực hiện đúng phương châm kết nạp là phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần. Bây giờ một số nơi vì thành tích nên cứ kết nạp cho đủ chỉ tiêu.

Chẳng hạn cấp ủy cấp trên dội xuống chỉ cho đảng ủy này, chi bộ này một năm phải kết nạp được 2 đảng viên. Nếu không kết nạp được thì sẽ bị trừ tiêu chuẩn thi đua.

Hiện tượng thứ hai là  muốn vào Đảng để có vị thế này, vị thế kia. Những đối tượng này mới hay “chạy” vào Đảng.

Người ta phản ánh hiện tượng có một số người “canh cửa”  vào Đảng thậm chí còn “ra giá” cho những người khác muốn được kết nạp vào Đảng. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Họ thường chỉ “ra giá” cho những đối tượng có động cơ vào Đảng không tốt. Vào để có chức vụ, để làm lãnh đạo. Hiện tượng này phải khắc phục. Phải tuyên truyền giáo dục thế nào để người ta cảm thấy vào Đảng để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, chứ không phải vào Đảng để làm quan.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG